Đạt 42/49 tiêu chí đô thị loại IV

Ưu tiên nguồn lực “phát triển hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông và xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị” là khâu đột phá quan trọng được Hương Trà xác định và thực hiện.

Diện mạo mới của Hương Trà - cửa ngõ phía bắc của tỉnh

Theo đó, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm của Trung ương, tỉnh và địa phương được triển khai, như: nâng cấp mở rộng QL1A qua địa bàn, chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc TP Huế; nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 4, 16, 19; QL 49A. Hoàn thành dự án cầu Hữu Trạch, đường vào điện Hòn Chén, lăng Gia Long, chống xói lở bờ sông Hương. Những công trình mang tính chất đột phá cho vùng đầm phá và ven biển được quan tâm đầu tư như: mở rộng QL 49B, công trình chống xói lở bờ biển Hải Dương, kiên cố hóa đê ngăn mặn phá Tam Giang. Trụ sở hành chính, các cơ sở y tế, giáo dục... được cải tạo, đầu tư xây dựng mới.  Trong đó, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn sau khi đi vào hoạt động phát huy hiệu quả.

Công tác quy hoạch đô thị được chú trọng. Hệ thống thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng được quan tâm đầu tư ở một số địa phương. Nhiều khu quy hoạch, khu dân cư mới được xây dựng, góp phần mở rộng đô thị trung tâm thị xã; đồng thời, giải quyết nhu cầu của người dân trong quá trình đô thị hóa. Vùng nông thôn, với mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã có bước phát triển khá toàn diện. Hạ tầng văn hóa - thông tin - thể thao, y tế, giáo dục và vệ sinh môi trường đô thị từng bước củng cố, nâng cao chất lượng.

Tiếp tục huy động nguồn lực

Bí thư Thị ủy Hương Trà Trần Duy Tuyến cho biết, một khó khăn là Hương Trà đang thiếu nguồn lực. Sau khi lên thị xã, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho địa phương rất ít trong khi nội lực còn hạn chế nên một số công trình trọng điểm như nhà thi đấu, nhà văn hóa trung tâm thị xã... dù đã triển khai nhưng quy mô “có chừng nào làm chừng đó”, chưa xứng tầm thị xã.

Nền kinh tế thị xã tuy có tăng trưởng khá nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững; thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Công nghiệp phát triển nhanh nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực Tứ Hạ - Hương Văn. Lĩnh vực công nghiệp, TTCN, dịch vụ chưa thật sự tạo được sức hút mạnh mẽ về lao động để tăng nhanh dân số cơ học, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa. Hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp xu thế phát triển, nhất là điện chưa được ngầm hoá, hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị và các thiết chế văn hóa chưa đầu tư đồng bộ. Việc cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư hiện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...

Về giải pháp xây dựng và phát triển đô thị, theo Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - Nguyễn Xuân Ty, trước mắt, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị. Phấn đấu đến 2020, Hương Trà trở thành vùng đô thị phát triển gắn kết hữu cơ với TP. Huế và cùng với Huế tạo thành vùng đô thị lõi trung tâm của tỉnh. Để làm được điều này, thị xã đang nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bằng nhiều chủ trương, chính sách linh hoạt như: sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động mọi nguồn lực trong dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Xây dựng các điểm và vùng trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, góp phần tạo động lực phát triển đô thị.

Phó Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch thị xã Hương Trà- ông Nguyễn Văn Công cho biết: “Từ 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 5.500 tỷ đồng và hơn 250 tỷ đồng ngân sách từ tỉnh và thị xã được phê duyệt đầu tư để phục vụ phát triển hạ tầng đô thị. Nguồn vốn của Trung ương và địa phương Hương Trà đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng và hoàn thành rõ nét các phân khu chức năng, góp phần đổi mới bộ mặt đô thị. Đối chiếu các tiêu chí đô thị loại IV, hiện Hương Trà đã đạt 42/49 tiêu chí”.

 

Liên Minh