Hôm ấy trời mưa. Tôi tấp vào gánh bún nép dưới mái vòm từ tấm bạt che tạm. Cạnh đó là xe bánh mỳ khá đông khách, mà phần lớn là khách nhí. Bỗng chị chủ gánh bún xua tay lia lịa, miệng la lớn “đi, đi, cút, cút ra chỗ khác”. “Người” chị đuổi là một chú chó với cái bụng lép kẹp, từng chiếc xương sườn nhô lên trông rất thảm, đang định mon men vào gần chỗ thực khách để nhặt xương. Mấy chị hàng bánh mỳ, bún riêu... cũng phụ họa xua đuổi. Chú chó mặt buồn thiu sợ sệt chạy xuống lề đường, tránh xa hàng quán nhưng vẫn đứng dưới mưa mà hóng. Bộ lông càng lúc càng ướt nhẹp.

“Dì ơi, dì bán cho con ổ mì pa tê”. “Răng lại mì pa tê? Con thường ăn mì xíu mà?”. “Dì cứ bán cho con mì pa tê đi”. Đó là đối thoại của cô bé chừng chín, mười tuổi với chị chủ hàng. Cầm ổ bánh mỳ vừa được quệt nhân vào, hơ lại trên lò than hồng, cô bé không ăn mà đi đến cạnh chú chó đang đói khát rét run, bẻ từng miếng để xuống mặt đường. Chờ chú chó ăn hết, cô bé mới quay đi.

“Trời đất, cái con bé! Rứa là sáng ni nhịn đói đi học rồi. Cha mẹ làm thuê, hoàn cảnh chật vật lắm, lại đi làm từ tinh mơ nên sáng mô cũng phát cho hai chị em hắn mỗi đứa 5 nghìn đồng. Tiền đó chỉ mua được mỳ, xôi hoặc bánh canh vỉa hè. Không lo ăn cho ấm bụng, lại nhường phần cho chó hoang. Thiệt là dại dột, tào lao, bao đồng hết sức” - người phụ nữ lớn tuổi “làm một tua”. Chị bảo, chị là hàng xóm với gia đình cô bé, nhà trong hẻm sâu kia.

Thế nhưng, tôi lại không nghĩ đó là “dại dột, tào lao, bao đồng”. Việc làm của em tuy nhỏ nhưng thật cảm động. Biết thương cảm, chia sẻ với một con vật tội nghiệp, chứng tỏ em là người có trái tim ấm áp, biết yêu thương.

Phạm Thùy Chi