Điều dễ nhận thấy ở đây là, việc được mùa nhưng mất giá không còn là vấn đề của bất cứ một địa phương nào. Cái không vui, cái băn khoăn vẫn là mẫu số chung trên gương mặt của những người nông dân khi vào vụ. Trên bình diện rộng, việc hoạch định để người dân có lãi và yên tâm hơn về lương thực (dự trữ hay hàng hoá), về chính sách điều tiết kinh doanh xuất khẩu lúa gạo là vai trò của bộ chủ quản, thể hiện trong sự tham vấn, đề xuất với Chính phủ để có những chính sách hợp lý hơn, bền vững hơn. Người dân không chỉ trông mong mà còn rất kỳ vọng vào điều này.

Nhìn ở phạm vi hẹp hơn trên địa bàn tỉnh, báo cáo mới nhất cho thấy, sản xuất nông nghiệp tăng 3,27%, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Năng suất lúa vụ đông xuân đạt 57tạ/ha. Đây cũng là điều đáng mừng khi thời tiết trong năm không mấy thuận lợi nhưng sản lượng vẫn tăng và là vụ lúa có năng suất, sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy người dân đã chủ động hơn trong sản xuất, không chỉ trong việc chất lượng giống lúa, khung thời vụ, thuỷ lợi, phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc cây lúa mà còn thể hiện tính chủ động, kịp thời khắc phục hậu quả bão, lũ, nắng hạn để đảm bảo sản lượng mùa vụ... Nhưng cũng như người nông dân ở các tỉnh, thành khác, trong các diễn đàn, các cuộc tiếp xúc cử tri... bà con cũng đã bày tỏ điều băn khoăn, mong mỏi của mình và rất mong được sự hỗ trợ, tiếp sức của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng.

Đây cũng là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4 vừa qua. Bên cạnh việc trông đợi vào sự điều tiết chung của Chính phủ trong việc ổn định thị trường, hay những tác động mang tính trợ lực vào thị trường lương thực hàng hoá...các ý kiến thảo luận đã tập trung vào việc đã đến lúc tập trung vào chất lượng. Đó là việc nghĩ đến và đưa vào gieo cấy những giống lúa cho chất lượng gạo cao hơn, ngon hơn, có giá trị thương phẩm hơn trong cơ cấu giống lúa xác nhận hiện nay.

Theo chúng tôi, để làm được điều này, cần đến vai trò mang tính đề xuất để có kế hoạch cụ thể từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần đến vai trò của các trung tâm khuyến nông, của cơ quan thẩm định và cung ứng giống – cây trồng và cũng cần đến vai trò của các nhà khoa học với những ứng dụng thực tiễn và cụ thể. Và trên hết, là vai trò của chính quyền sở tại trong rất nhiều vấn đề cụ thể, trong đó không chỉ là việc cơ cấu lại giống lúa mà còn cả việc chuyển đổi cây trồng ở những diện tích hợp lý, để thật sự mang đến hiệu quả và thu nhập có chất lượng hơn.

Hạnh Nhi