Lâu nay, mỗi khi đi khám chữa bệnh (KCB), nhiều người thường chọn con đường nhanh nhất là đến các bệnh viện (BV) tuyến trên. Việc bỏ qua các cơ sở y tế tuyến dưới (như trạm y tế, BV đa khoa huyện, tỉnh) đồng nghĩa với việc bỏ qua giấy chuyển tuyến và những quyền lợi từ BHYT mà người dân đáng được hưởng (nếu có mua BHYT).

Một người công tác ở BV tuyến tỉnh trăn trở, ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân, họ luôn “mệt mỏi” là phải tìm cách giải thích, từ chối những người quen nhờ xin giấy chuyển viện. Trường hợp bệnh có trong danh mục được chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế thì chẳng bận tâm, nhưng rất nhiều trường hợp bệnh chữa trị được ở tuyến dưới, nhưng người nhà vẫn có nhu cầu chuyển lên BV tuyến trên. Nhiều người chưa rõ trong trường hợp nào thì cơ sở y tế tuyến dưới cho chuyển viện, trường hợp nào thì không nhưng vẫn cứ nhờ người quen trong ngành “can thiệp”. 

nhiều người bệnh muốn xin chuyển viện hoặc chấp nhận vượt tuyến là do chưa yên tâm với trình độ chuyên môn các bác sĩ tại cơ sở KCB theo đúng tuyến bảo hiểm. Sự “không yên tâm” đó cũng có cơ sở. Mới đây, người chị ghé thăm nhà chia sẻ câu chuyện ở quê, tôi lại đâm ra lo. Chị kể, chồng của người bạn đau bụng đưa về BV huyện cấp cứu. Không hiểu thế nào các bác sĩ siêu âm, chẩn đoán anh ấy có một khối u ở trực tràng và giữ lại điều trị. Người thân hoang mang mấy ngày liền vì sợ anh mắc bệnh hiểm nghèo. mấy hôm, nhờ sự can thiệp của bạn bè, anh chồng được chuyển lên BV TW Huế khám, chẩn đoán lâm sàng. Kết quả, cả nhà mừng rơn vì các bác sĩ ở BV TW Huế phát hiện bệnh của anh ấy là do một dị vật. Hiện, sức khỏe anh ấy đã phục hồi nhưng ai cũng đau đáu với nghi vấn, nếu theo sự chỉ định và điều trị tại BV huyện, liệu mạng sống anh có an toàn?!...   

Vậy là quan điểm chuyển tuyến, vượt tuyến để an toàn cũng có phần xuất phát từ những câu chuyện thiếu niềm tin. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào yêu cầu chuyển viện cho bệnh nhân cũng hợp lý. Vì rằng có những ca bệnh hoàn toàn chữa trị được ở tuyến dưới.

 vấn đề người bệnh quan tâm là niềm tin, là chất lượng điều trị. Không phải tự nhiên mà người bệnh muốn mua rắc rối cho mình khi phải nằm điều trị ở các BV xa nhà với đủ thứ chi phí. một khi chưa tin tưởng vào trình độ chuyên môn của các bác sĩ, thì với người bệnh, xin chuyển tuyến, vượt tuyến là giải pháp “chẳng đặng đừng”.

Cần học cách làm của BV huyện Phú Vang, cơ sở y tế tuyến huyện được chuẩn hóa chất lượng. Năng lực chuyên môn cùng thái độ tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây được người dân tin tưởng, mến phục. Bình quân mỗi ngày, BV Phú Vang đón từ 500- 700 lượt bệnh đến khám ngoại trú, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên chỉ 1- 2%. Điều đó cho thấy, thương hiệu của BV là niềm tin từ bệnh nhân. Niềm tin đó được tạo dựng bởi trình độ chuyên môn và sự tận tâm của các y, bác sĩ đối với người bệnh. 

Liên quan đến vấn đề chuyển tuyến, Bộ Y tế đã có quy định rõ về danh mục 47 trường hợp được chuyển viện (theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), cần tuyên truyền cho người dân hiểu để yên tâm điều trị, không tạo dư luận xấu nhằm tăng áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Mặt khác, vẫn là câu chuyện niềm tin, các cơ sở y tế địa phương, ngoài việc tuân thủ theo quy chế chuyển tuyến để người dân không bị mất quyền lợi, phải quyết tâm nâng cao chất lượng khám điều trị đúng tuyến của mình.

VĂN MINH