Kéo dài thời gian lưu trú vẫn đang là bài toán với ngành du lịch Huế. Ảnh: Hạnh Dung

Tăng trên 10% hàng năm là số liệu đã thống kê được về tổng lượt khách đến Huế. Năm 2015, con số này đạt trên 3,1 triệu lượt và tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực tế là dù được xác định đây là thế mạnh và tiềm năng, nhưng cho đến bây giờ, hoạt động du lịch dịch vụ vẫn chưa trở thành nguồn lực kinh tế của tỉnh khi chiếm đến 56% tổng sản phẩm trên địa bàn nhưng chỉ đóng góp được 15% vào ngân sách của tỉnh.

Tương quan của vấn đề nằm ở chỗ hiện nay, mức chi tiêu bình quân của 1 khách du lịch khi đến Huế là 750.000 đồng/người và khoảng ½ số tiền này được chi vào dịch vụ lưu trú. Và mặc dù đã đặt ra rất nhiều kế hoạch để kéo dài thời gian lưu trú của khách nhưng thời gian lưu trú bình quân của khách ở Huế cũng chưa vượt được ngưỡng 2,03 ngày. Cũng cần nói thêm ở một khía cạnh hẹp hơn là dịch vụ vui chơi, giải trí hiện có cũng mới chỉ đóng góp được 2,1% vào tỷ trọng tăng trưởng của ngành du lịch. Đây cũng là mấu chốt của điều mà lâu nay chúng ta vẫn băn khoăn, trăn trở, lo lắng, sốt ruột nhưng vẫn chưa tìm ra được một giải pháp hữu hiệu để lấy thêm tiền của du khách từ các sản phẩm du lịch, từ các trung tâm mua sắm cao cấp, từ các hoạt động vui chơi giải trí về đêm và rất nhiều hoạt động bổ trợ khác. Ngay cả việc làm thế nào để người dân Huế xa dần thói quen đi ngủ muộn hơn cũng không dễ trả lời khi không có nhiều hoạt động đáp ứng.

Cũng có ý kiến cho rằng, sự tăng trưởng trong hoạt động du lịch không phải ở lượt khách quay lại mà là lượt khách mới. Theo chúng tôi, điều ấy cũng đúng, nhưng chưa đủ. Nếu hoạt động du lịch – dịch vụ ở một điểm đến nào đó còn và có nhiều sự hài lòng, nhiều sự hấp dẫn với những phương thức tổ chức đem lại cái mới, sự lạ; thậm chí có khi chỉ là một không gian nghỉ dưỡng mà người đến được tiếp đón và chăm sóc chu đáo thì tỷ lệ quay lại của du khách sẽ là mấu chốt để phát triển. Chưa kể khả năng lan tỏa mà chính các du khách sẽ là kênh thông tin quảng bá tốt nhất, kết nối tốt nhất mà họ được thụ hưởng thông qua các dịch vụ. Năng lực của các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này chính là ở chỗ, làm thế nào đón được nhiều khách (bao gồm cả khách mới và khách quay trở lại) để tạo ra nguồn doanh thu chất lượng và hiệu quả... chứ không phải ở lượt khách được thống kê hàng tháng, hàng quý, hàng năm nhưng giá cả lại được sale ở mức thấp nhất. Đây là tồn tại vẫn đang diễn ra trong dịch vụ lưu trú trên địa bàn và các khách sạn, kể cả khách sạn nhiều sao cũng phải cạnh tranh bằng giá với các khách sạn ít sao khác. Và đó cũng là khi dịch vụ không phải nói với nhau bằng chất lượng mà bằng những cái nhìn dò xét, “huých vai” nhau.

Những điểm sáng phía trước đã được nhìn thấy, quyết tâm cũng đã được xây dựng và nỗ lực cũng đã có, nhưng nhìn trên mặt bằng chung, việc làm thế nào đưa Thừa Thiên Huế lọt vào top đầu về du lịch, dịch vụ của cả nước sẽ là chặng khó, dù không phải là không làm được.

MINH HÀ