PGS.TS Phan Thanh Bình. Ảnh: Lê Thọ

Trong thời đại mà không ít người đua nhau đi tìm cái mới, cái lạ mắt, hướng ngoại nhiều hơn thì các họa sĩ lại trở về với cái bình dị truyền thống vốn có của nó. Chính sự độc đáo của dòng tranh “thế mạng” và nghệ thuật tạo hình của tranh dân gian làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang) đã tạo cho các nghệ sĩ cảm hứng sáng tạo và vận dụng những giá trị thẩm mỹ truyền thống vào hội họa đương đại qua tác phẩm của họ.

Tranh làng Sình lên khuôn từ những bản khắc, trong khi hội họa hiện đại lại là những mảng màu và bút vẽ. Các họa sĩ đã biến hóa sáng tạo như thế nào, thưa ông?

Điều các họa sĩ hiện đại băn khoăn nhất là làm sao để vận dụng các giá trị truyền thống nhưng không phải theo kiểu sao chép vụng về. Vì vậy, các họa sĩ đã không lấy tất cả những gì tranh làng Sình có mà chỉ chọn một vài yếu tố thẩm mỹ để nâng lên. Trong tranh làng Sình, đường nét được xem là cốt cách, dáng thể, màu sắc là diện mạo, chất men, bố cục theo lối ước lệ, thuận mắt. Khi nghiên cứu và nắm bắt những yếu tố thẩm mỹ dân gian, các họa sĩ đương đại nhận ra được lúc nào cần sử dụng đường nét cầu kỳ, lúc nào cần sự tượng trưng khái quát, gạt bỏ những chi tiết rườm rà để thể hiện những mảng màu và đường nét của các hình tượng, làm nổi bật chủ đề và tạo cảm xúc mới mẻ. Các họa sĩ phỏng tác đã mạnh dạn đưa yếu tố nghệ thuật mới vào trong tranh dân gian, nhưng vẫn đảm bảo các thuộc tính nghệ thuật và vẫn nằm trong tổng thể giá trị mỹ thuật truyền thống của chúng.

“Quan về làng” của họa sĩ Hà Văn Chước

Vậy những cách nhìn mới và chất liệu mới ấy đã được các họa sĩ thể hiện như thế nào?

Chúng tôi rất ngạc nhiên và không ngờ khi từ dòng tranh “thế mạng” của làng Sình, qua lăng kính của họa Nguyễn Hùng, những hình nhân trong tranh “Trẩy hội” trở nên vô cùng sinh động, đầy cảm hứng hiện đại đến thế. Hay họa sĩ Phan Ngọc Minh với tranh “Hồi ức về Huế” mang vẻ đẹp vừa dân dã, vừa hiện đại qua hình tượng của bộ đề tài Bát Âm nổi tiếng của làng Sình. Hình bóng tranh làng Sình cũng đầy cảm hứng trong tranh của hoạ sĩ Đặng Mậu Triết, Lê Hữu Nguyên. Họa sĩ Trương Bé cũng rất thành công khi dán lên tranh sơn dầu các mảng in tranh Tiền, con vật của tranh làng Sình. Họa sĩ Đặng Mậu Triết đã tạo nên những hình thái phong phú, biến hoá của hình mảng đường nét từ thuộc tính thẩm mỹ dân gian, tạo nên ấn tượng thị giác mạnh cho người xem qua một dàn nhạc cổ phỏng tranh làng Sình rất sinh động. Thưởng thức tác phẩm của các họa sĩ, nhiều người đã rất kinh ngạc vì sao hiệu quả lại cao như vậy. Ở đó, mặc dù cảm hứng được khởi nguồn từ dòng tranh dân gian làng Sình nhưng lại có nhiều niềm vui và sự hân hoan của cuộc sống mới, với cách nhìn phóng khoáng, cởi mở và đa chiều hơn.

Bây giờ, việc ứng dụng này được các họa sĩ thực hiện khá nhiều. Như họa sĩ Nguyễn Quân, trong một lần chúng tôi mời về giảng dạy, khi về thăm làng Sình, ông có cảm hứng và dùng những bức tranh truyền thống làng Sình như một chất liệu cho tác phẩm sáng tác mới của mình và, họa sĩ Nguyễn Quân đã sáng tác một loạt tác phẩm sơn dầu khổ lớn, tạo dựng một triển lãm đầy tự tin và có tính nghệ thuật cao ở TP. Hồ Chí Minh. Nổi bật là bức tranh sơn dầu cỡ lớn “Gia đình” lấy chính tranh làng Sình làm chất liệu tạo mảng hình, kết hợp với chất liệu giấy dó của Việt Nam, mực Nho của Tàu và sơn dầu của phương Tây.

“Gia đình” của họa sĩ Nguyễn Quân

Hội họa hiện đại tôn vinh những giá trị truyền thống trong tranh dân gian làng Sình. Liệu có thể coi đó là một sự hỗ trợ nhau để cùng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống?

Tranh làng Sình có những giá trị riêng, độc lập và dòng tranh được tạo nên từ cảm hứng của tranh làng Sình cũng có một cách nhìn độc lập khác. Yếu tố tâm linh, niềm tin ước vọng, khao khát cầu an ở tranh làng Sình sẽ nhạt và gần như không phải là cái mà người họa sĩ muốn nói đến trong tranh hiện đại. Nghĩa là mỗi dòng tranh có một sự phát triển riêng, theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Tranh dân gian làng Sình phải giữ lấy giá trị tâm linh truyền thống, mất cái đó, điều cốt lõi đó thì mất dấu ấn tranh làng Sình; trong khi dòng tranh hiện đại thì lấy giá trị truyền thống đó để nâng nó lên theo một dòng chảy khác của tư duy tạo hình mới năng động, mạnh mẽ và táo bạo.

Theo ông, khi yếu tố dân gian truyền thống của tranh làng Sình được đưa vào hội họa hiện đại, sự lan tỏa rõ nhất là gì?

Tranh làng Sình là tranh dân gian truyền thống thuần túy, chủ yếu phục vụ cư dân khu vực miền Trung trong việc cúng tế và không bao giờ nằm ở các Salon, triển lãm lớn hay cả các Gallery art. Trong khi đó, hội họa hiện đại vận  dụng những điểm độc đáo của tranh làng Sình tạo ra những cảm hứng rất mới về chất, tác động mạnh mẽ đến người xem lại có thể xuất hiện ở những triển làm lớn. Trường hợp họa sĩ Nguyễn Quân với triển lãm “Trắng 3 chiều” tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ. Với bức tranh tả về các thành viên trong gia đình theo phương nằm ngang, họa sĩ Nguyễn Quân đã lấy cảm hứng từ tranh làng Sình, biến hóa qua những mảng màu và nét cọ để gợi cảm xúc cho người xem.

Nếu hiểu thấu đáo giá trị nghệ thuật truyền thống thì người nghệ sĩ luôn có cách để vận dụng thành công các giá trị ấy trong sáng tạo hiện đại. Quan điểm của ông như thế nào về trường hợp tranh làng Sình được đưa vào hội họa đương đại?

Cùng với tranh Hàng Trống ở miền Bắc, tranh làng Sình ở Thừa Thiên Huế cũng thể hiện một cách khá rõ về thế giới tâm linh, thế giới của những điều tốt đẹp linh thiêng và ở đó cái cao cả, lương thiện, đẹp đẽ được cả cộng đồng thừa nhận, tôn thờ. Do vậy, người họa sĩ đương đại càng hiểu được cội nguồn đời sống tâm linh của người dân thì càng có sự suy tưởng và có cảm hứng đúng hơn, sâu sắc hơn trong sáng tác. Và họ đã thành công khi biến những giá trị tinh túy của tranh làng Sình trở thành những giá trị mới trong cách nhìn mới và sự mở rộng ngôn ngữ tạo hình. 

Theo tôi, việc nghiên cứu bảo tồn một phần nghề in tranh dân gian Việt Nam trong đó có tranh làng Sình bằng việc phục dựng lại bản khắc, bản in tranh cổ, vận dụng sáng tạo, phỏng tác... không chỉ góp phần làm rạng rỡ sắc màu văn hóa truyền thống dân tộc, mà qua đó chúng ta còn nhấn mạnh vị trí đáng trân trọng của dòng tranh dân gian trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và mai sau.

Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

ĐỒNG VĂN (Thực hiện)