Riêng khu vực phía Nam, ngoài một vài khách sạn được xây dựng từ lâu, tranh thủ vị trí đắc địa nhìn ra sông, ở đây chỉ có các công viên cây xanh còn hoang sơ. Về đêm, chỉ có một vài điểm dừng chân cho du khách với bến thuyền Tòa Khâm cùng dịch vụ ca Huế và Phố đêm trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Một số thiết chế văn hóa ở khu vực này như Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Văn hóa Huế thì hãy còn đơn lẻ, chưa tạo được sự liên kết đồng bộ.

Băn khoăn ấy đã phần nào có câu trả lời khi mới đây, một dự án trị giá 63 tỷ đồng nhằm xây dựng mạng lưới kết nối tuyến đi bộ phía Nam sông Hương vừa được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai trong năm 2016-2017. Dự án bao gồm các hạng mục như cầu đi bộ lát gỗ lim, bến thuyền, sân khấu biểu diễn, bãi đỗ xe, đường đi bộ, hệ thống điện chiếu sáng... nhằm tạo điểm nhấn liên kết khu vực dọc sông Hương, từ cồn Dã Viên đến cồn Hến.

Chuẩn bị cho dự án tạo điểm nhấn ấy, trước đó, tỉnh đã cho di dời tượng cụ Phan từ Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự về công viên Lê Lợi, cạnh sông Hương. Tiếp đó là tác phẩm điêu khắc “Cô gái Việt Nam” của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn cũng được chuyển từ TP. Hồ chí Minh về Huế, đặt tại công viên Hai Bà Trưng. Mới đây nhất, UBND tỉnh có thông báo sẽ di dời Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị từ số 1 Phan Bội Châu về 17 Lê Lợi - địa điểm lý tưởng ở khu vực Nam sông Hương.

Với những bước đi quyết tâm, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng đường Lê Lợi thành tuyến đường, địa chỉ văn hóa đặc sắc bên sông  Hương. Nơi du khách có thể chiêm ngưỡng gia tài nghệ thuật vô giá của cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, những tác phẩm để đời của Lê Thành Nhơn hay những bức họa nổi tiếng của Lê Bá Đảng...

Một điểm nhấn lý tưởng sau bao ấp ủ đang thành hình, để góp phần làm đẹp, làm sang cho Huế - một thành phố của thiên nhiên và di sản.

TIỂU MUỘI