Dừng lại cấp tỉnh

Năm nay, các trường THPT không chuyên có thể đăng ký tham gia thi nội dung chuyên và có kết quả xuất sắc bảng không chuyên có thể được gọi vào đội tuyển thi chọn HSG Quốc gia. Như vậy, mỗi HS thi chọn HSG 2016 đều dự  kỳ thi có  2 nội dung, một để chọn HSG cấp tỉnh, hai là để được chọn tham gia kỳ thi tuyển chọn HSG Quốc gia.

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học sinh hoạt ngoại khoá 

Cô Thanh Trà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông (ALĐ) cho biết, năm nay ALĐ đầu tư cho các đội tuyển rất bài bản. HS được bồi dưỡng có hệ thống nên hy vọng đạt giải khá cao. Thế nhưng, hỏi về mục tiêu vào đội tuyển chọn HSG Quốc gia thì cô Trà chùng giọng: “ALĐ vẫn chưa thấy có nhân tố nào đáp ứng nhu cầu thi chuyên nên không đăng ký. Chúng tôi không tin vào may mắn mà chỉ tin vào điều kiện nên chủ động dừng cuộc chơi ngang cấp tỉnh”. 

Ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (NĐC), Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn - Mai Thị Thanh thông tin: “Trường NĐC chuẩn bị cho kỳ thi năm nay rất quy mô, thành viên đội tuyển được “soi” học bạ THCS, sát hạch từ lớp 10… Suốt hai năm 10 và 11, các em được bồi dưỡng tuần 2 tiết và qua nhiều đợt sát hạch, chắt lọc để xây dựng đội hình. NĐC mạnh dạn đăng ký 2 suất thi chuyên”. Tuy nhiên, theo cô Thanh, cũng chỉ để thử sức, hy vọng vào đội tuyển cấp quốc gia không cao.

Các trường THPT không chuyên đều rất quan tâm đến kỳ thi chọn HSG hàng năm. Đây là một trong những điều kiện để nhà trường khẳng định chất lượng đào tạo và “bộ mặt” của trường. Việc phát hiện, bồi dưỡng các đội tuyển HSG ngày càng bài bản. Thành công của công tác này phụ thuộc 2 yếu tố, một là tư chất HS, thứ hai là giáo viên và điều kiện học bồi dưỡng. Tuy nhiên, các trường đều cho biết, chỉ “thầy trò trong trường với nhau”, điều này chính là “giới hạn” khiến HSG ở tất cả các trường dừng mức phấn đấu ở… cấp tỉnh.

Khối chuyên cũng kém mặn mà

Từ năm 1975 đến nay, Quốc Học có hàng nghìn HS đạt giải HSG cấp tỉnh, cấp Quốc gia; có 13/15 học sinh dự thi và đoạt giải quốc tế. Năm học 2009 - 2010, em Đinh Anh Minh (12 chuyên Lý) đoạt HCV quốc tế. Năm học 2013 - 2014, em Đoàn Quốc Hoài Nam (12 chuyên Hóa) đoạt HCB quốc tế. Năm học 2015 - 2016, em Nguyễn Hy Hoài Lâm đoạt HCĐ Tin học châu Á - Thái Bình Dương... là những thành tích lớn đem vinh quang về cho trường, tạo nên những đột phá trên sân chơi trí tuệ của HS Việt Nam, làm rạng danh vùng đất học Thừa Thiên Huế. Nhưng sân chơi chất lượng cao này không chỉ với HS không chuyên, ngay cả  HS đang học tại Quốc Học cũng rất… xa vời.

Một năm, Quốc Học đón nhận khoảng 400 HS xuất sắc, tiêu biểu từ các vùng đất. Các em đến với cái nôi đào tạo nhân tài khá vất vả và nhiều kỳ vọng. Nhưng sân chơi lập tức “sập cửa” vì sau cuộc sát hạch đầu năm lớp 10, các đội tuyển đã chọn xong thành viên. HS không vào đội tuyển chỉ còn mục tiêu như HS không chuyên. Những “hạt gạo trên sàn” tập trung bồi dưỡng theo chương trình nâng cao, thời gian học đội tuyển nhiều, vất vả và tất nhiên được “ưu tiên” cho qua các môn còn lại. Vì thế, vào đội tuyển là dễ học lệch. Nếu đạt giải ba quốc gia trở lên, các em có thể được tuyển thẳng vào đại học; có giải quốc tế, cơ hội du học cao. Nhưng tỷ lệ đạt giải không cao, cũng như chính sách tuyển thẳng cũng phập phồng… khiến không ít HS có khả năng vào đội tuyển nhưng né tránh. Còn các em ở đội tuyển cũng không yên tâm.

Với hơn 1.500 HS/hơn 40 đơn vị, mỗi trường THPT trong tỉnh đều tham gia thi HSG đủ 10 môn, thêm môn máy tính bỏ túi. Công tác “bếp núc” trong những ngày diễn ra kỳ thi được trường, lãnh đạo địa phương quan tâm nhưng do quá trình đầu tư không cao nên đến nay, rất ít HS khối không chuyên lọt được vào đội dự tuyển chọn HSG cấp Quốc gia và nếu có, thì nghiêng về các môn xã hội.

Lý do là HS “trên sàng” đã đầu quân cho Quốc Học, số ở trường không được đầu tư đúng mức nên “mai một”. Cô Mai Thị Thanh cho biết, những năm trước huyện Phong Điền có hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng HSG, nhưng năm nay thì cắt hẳn. Giáo viên tham gia bồi dưỡng HSG ở cấp trường chủ yếu dựa vào lòng nhiệt tình. Còn chuyện mời chuyên gia bồi dưỡng cho các em thật xa vời. Đây cũng là tình tình chung của các trường.

Bài, ảnh: Hương Giang