Thu mua cá tại bến Cảng Thuận An

Ghi nhận tại buổi chi trả tiền cho người dân thị trấn Thuận An, địa phương chịu thiệt hại lớn nhất và cũng là điểm chi trả cuối cùng của huyện Phú Vang, chúng tôi thấy rõ niềm vui và sự hồ hởi của những người dân đi nhận tiền đền bù. Anh Phan Văn Trường (thợ lặn) cho biết: “Tôi và anh em cùng nghề đều rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của chính quyền. Số tiền gần 23 triệu đồng nhận được giúp chúng tôi giải quyết được những khó khăn trước mắt cũng như tìm việc làm mới”. Ông Lại Thành Trung, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Thuận An chia sẻ: “Từ lúc xây dựng kế hoạch, lập danh sách và định mức chi trả cho người dân, chúng tôi đã hết sức thận trọng, triển khai chặt chẽ, khách quan, minh bạch nên nhận được sự đồng thuận cao từ người dân”.

Ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chưa thống nhất được mức đền bù với người dân. Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định, việc kiểm kê thiệt hại, xác minh đối tượng để chi trả tiền đền bù đã được thực hiện một cách minh bạch, khách quan và chính xác. Trong quá trình chi trả, vẫn còn những ý kiến trái chiều, chưa thật sự đồng thuận với kết quả điều tra, xác minh, kiểm kê đền bù, chúng tôi sẽ tiếp nhận và báo cáo Trung ương để tiếp tục giải quyết. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Tại đợt chi trả này, đối tượng nào đã chắc chắn không còn nghi ngờ chúng tôi mới tiến hành chi trả. Những đối tượng chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, vướng mắc thì phải tiếp tục xem xét, kiểm tra lại và tiến hành chi trả trong đợt sau nếu họ nằm trong diện được bồi thường.”

Thuyền cá cập cảng Thuận An

Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN và PTNN, tất cả các đối tượng bị thiệt hại đều phải có bồi thường nhằm bảo đảm sự công bằng. Các địa phương cần rà soát kỹ các đối tượng , mức độ thiệt hại cụ thể, đề xuất cấp trên xem xét phê duyệt để có chính sách bồi thường hợp lý.

Hầu hết ngư dân sau khi nhận tiền đều mang về nhà chứ không gửi vào ngân hàng mặc dù nhân viên ngân hàng có mặt ngay tại điểm chi trả. Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết: “Việc người dân mang nhiều tiền về nhà thay vì gửi vào ngân hàng sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra trộm cướp. Tình trạng này còn gây nguy cơ ngư dân sẽ sớm tiêu hết tiền, dẫn đến không có vốn để chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh đánh bắt gần bờ đang gặp nhiều khó khăn. Sau đợt chi trả này, huyện sẽ chỉ đạo các ngành tổ chức họp cụm dân cư, lắng nghe ý kiến người dân, định hướng sản xuất, tổ chức đào tạo nghề theo nguyện vọng nhằm tính sinh kế lâu dài cho người dân vùng biển và đầm phá.”.

Anh Đặng Văn Sinh, một ngư dân có hơn chục năm bám biển ở Phú Vang không giấu vẻ lo lắng: “Tuy nhận được số tiền không phải nhỏ đối với tôi, nhưng thực sự tôi và nhiều bạn bè, bà con làm nghề biển chưa biết sắp đến làm cái chi để kiếm sống. Một số người phải đi làm ăn xa, một số phải đổi nghề, nhưng những người như tôi, con cái còn nhỏ không thể đi được thì sẽ rất khó khăn”.

Dù chính quyền đã và đang nỗ lực hướng dẫn người dân sử dụng tiền bồi thường để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển nghề biển và nuôi trồng thủy sản trong vùng đầm phá nhằm ổn định cuộc sống và sinh kế bền vững, nhưng vẫn còn chung chung, chưa có biện pháp triển khai cụ thể, thấy rõ sự lúng túng từ các cấp, sở ban ngành cũng như người dân. “Khi nào các đề án về tái tạo nguồn lợi thủy hải sản, phát triển sinh kế của người dân do các bộ, ban ngành trình và được Trung ương phê duyệt đưa về địa phương triển khai thực hiện, chúng tôi sẽ có những đề án nhỏ phù hợp dựa trên đề án chung để phục vụ sinh kế lâu dài của người dân”, ông Hoàng Ngọc Khanh nhấn mạnh. Trước mắt, Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án đào tạo nghề cho ngư dân gắn với nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể là Công ty CP Dệt may Huế vừa đào tạo nghề vừa bố trí việc làm và mở rộng các cơ sở gia công sản xuất về các địa phương …

Chiến Hữu – Minh Đức