Ngã rẽ mới của Lê Văn Giao
Chàng trai đa nghệ
Lê Văn Giao là chàng trai đa tài. Suốt những năm phổ thông lên đến đại học, anh là cây bút cần mẫn cộng tác cho các báo Thiếu niên Tiền Phong (TNTP), Tuổi trẻ và Hoa học trò, là đội viên, đoàn viên tiêu biểu trong các hoạt động phong trào của trường học. Công việc cộng tác viên báo đem lại nguồn thu nhập đủ để Giao chi tiêu lặt vặt, mua sách báo theo sở thích và giúp mẹ trang trải sinh hoạt. Năm 2008, anh nhận được giấy khen “Đã có thành tích trong học tập, công tác Đoàn, Đội và xây dựng báo TNTP” của Ban biên tập báo TNTP trao tặng. Cũng trong năm này, Giao nhận thêm giấy chứng nhận “Đã tham dự trại hè phóng viên nhỏ - phóng viên tuổi hồng xuất sắc toàn quốc lần thứ 3” do Báo TNTP, Tỉnh đoàn Khánh Hòa, Nhà Thiếu nhi Khánh Hòa, Công ty Vinacafe Biên Hòa phối hợp tổ chức. Từ năm 2008 – 2010, Giao làm trưởng Bút nhóm Lạc Hồng, một nhóm bạn trẻ chuyên viết truyện ngắn, phóng sự khá nổi tiếng ở Huế bấy giờ. Năm lớp 12, Giao cùng nhóm bạn sáng lập tập san “Tin học 9x” tại ngôi trường anh theo học – Trường THPT Đặng Huy Trứ. Tập san hoạt động khá mạnh, mỗi tuần cho ra 2 số với các bài viết liên quan đến lĩnh vực tin học, phục vụ nhu cầu cung cấp tri thức cho học sinh trong trường.
Năm 2009, Lê Văn Giao thi đậu ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học Huế. Từ năm thứ nhất đại học, anh làm thêm gia sư các môn khối A (toán – lý – hóa). Lớp học của Giao ngày càng đông học sinh đăng ký, sau này anh mở thêm lớp Anh văn, đến nay ổn định khoảng 60 lượt học sinh theo học mỗi tháng.
Cơ duyên với nhiếp ảnh
Giao đến với nhiếp ảnh như một cơ duyên. Năm thứ hai đại học là giai đoạn sức khỏe có vấn đề khiến Giao cảm thấy cuộc sống bi quan. Một hôm, Giao chợt ngộ ra rằng, tại sao mình không tìm đến một cái gì đó màu sắc hơn để “tô sáng” cuộc đời. Chàng trai có ánh mắt ấm áp tâm sự: “Nhiếp ảnh khiến những vùng xám trong tâm hồn mình trở nên tươi tắn hơn”. Ban đầu, Giao “tậu” được máy ảnh Canon 600D từ tiền nhuận bút viết báo và dạy thêm. Anh bắt đầu tập chụp người thân, chụp cỏ cây hoa lá thân thuộc quanh mình. Vốn là sinh viên IT, có thế mạnh về đồ họa, anh tự mày mò học thêm photoshop. Khi thấy tay nghề “ổn ổn”, anh quảng cáo về bản thân trên trang facebook nhóm Garage sale in Huế để chào khách chụp ngoại cảnh. “Những ngày đầu, ảnh chụp chưa đẹp nên chỉ dám lấy giá rẻ, chủ yếu chụp lấy kinh nghiệm” – Giao chia sẻ.
Thời điểm tốt nghiệp đại học cũng là lúc anh đã dày dạn hơn trong kỹ thuật nhiếp ảnh, không chần chừ, anh rẽ ngang, đưa con đường sự nghiệp của mình sang một bước ngoặt khác. Anh mạnh tay chi hơn 50 triệu đồng mua máy ảnh và ống kinh mới phục vụ cho việc chụp ảnh chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Thị Kim Quý, vợ anh Giao, người cùng anh kề vai sát cánh, tâm sự: “Chúng mình mới cưới 8 tháng thôi, nhưng trước đó yêu nhau được hơn 8 năm. Mình là người chứng kiến tất cả những chặng đường công việc của anh Giao. Anh ấy là người đa tài và có hoài bão. Lúc đầu mình không ủng hộ việc anh theo nghề nhiếp ảnh, vì thấy rất vất vả. Sau này thấy anh quá đam mê nên mình cũng ủng hộ”.
Giao đã là một trong những nhiếp ảnh gia ngoại cảnh cho tuổi teen, chụp ảnh kỷ yếu học sinh, sinh viên đắt “sô” nhất ở Huế. Anh còn kiêm thêm quay phim, chụp ảnh cưới. Thu nhập từ việc dạy thêm và nhiếp ảnh đem lại cho anh bình quân khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Giao tham vọng trong tương lai, sẽ mở Production chuyên chụp ảnh, làm phim và tổ chức sự kiện. Bạn Nguyễn Hồ Diễm My, học sinh lớp 12 Trường THPT Đặng Huy Trứ, vừa là học trò, vừa là một trong những “mẫu ruột” của Giao nhận xét: “Thầy Giao dạy rất dễ hiểu, chụp ảnh lại đẹp nữa. Mỗi lần em đăng ảnh thầy Giao chụp lên trang cá nhân, các bạn đều bình luận - trông đẹp hơn ở ngoài”.
Bài, ảnh: PHƯỚC LY