Tại Huế, rất nhiều người hăng say môn bóng bàn

Đủ điều kiện

Mỗi năm, Thừa Thiên Huế có khoảng 10 giải bóng bàn: Vô địch các câu lạc bộ (CLB) tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, nhà thiếu nhi, CLB gia đình… thu hút hàng ngàn vận động viên (VĐV) tham gia và duy trì đều đặn. Sự tiến bộ của lực lượng chơi bóng bàn, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi những năm gần đây là điều thấy rõ. “Nhiều em đủ sức cạnh tranh huy chương nếu đi thi đấu với các tỉnh, thành bạn”, ông Nguyễn Hữu Hùng, huấn luyện viên CLB Nhà Thiếu nhi khẳng định.

Khoảng 7 năm trở lại, nhu cầu tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe tăng mạnh, trong đó, bóng bàn được người già lẫn trẻ ưa chuộng vì dễ chơi, đầu tư ít. Hiện nay, Huế hình thành nhiều CLB, nhóm hoặc gia đình sắm bàn vừa  chơi vừa rèn cho thế hệ trẻ kỹ thuật căn bản của bóng bàn, nhờ đó giải bóng bàn CLB gia đình hằng năm luôn sôi nổi. Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao (Sở Văn hóa & Thể thao) chia sẻ: Chưa có đánh giá chính xác về chất lượng chuyên môn, song so với các tỉnh miền Trung, bóng bàn Huế đang phát triển tốt. Riêng người đam mê bóng bàn thì thắc mắc: “Bao giờ mới có đội tuyển năng khiếu bóng bàn?”.

Tại Huế, rất nhiều người hăng say môn bóng bàn

Bóng bàn là bộ môn nằm trong hệ thống thể thao Olympic. Thuận lợi của bóng bàn là tập luyện và thi đấu trong nhà, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, kinh phí sắm sửa trang thiết bị thấp hơn so với các bộ môn khác, trung bình mỗi bàn có giá từ 4,5 – 15 triệu đồng; Ba yếu tố khó nhất trong thể thao là cơ sở vật chất, con người và kinh phí đầu tư cho bộ môn này không phải là vấn đề quá sức.

Trước đây, Huế cũng có đội tuyển năng khiếu bộ môn này vào năm 1986 với nhiều thành công. Kết thúc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2004 với thành tích 5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, bộ môn bóng bàn giải tán đội tuyển năng khiếu bởi những lý do “tế nhị” khiến người hâm mộ hụt hẫng.Vậy nhưng, những năm qua, phong trào bóng bàn vẫn phát triển mạnh. CLB bóng bàn Nhà Thiếu nhi cho biết, hai năm gần đây số lượng học sinh đăng ký tập luyện tăng đều. Điển hình như mùa hè năm 2016 có 180 em, tăng mạnh so với những năm trước (trung bình, 80 – 100 em/năm), trong đó 70% là học sinh tiểu học; đây là hạt nhân của đội tuyển năng khiếu bóng bàn trước đó.

Hiệu quả sẽ được nhân rộng

Phát triển thể thao suy cho cùng nhằm mục đích mang lại sức khỏe cho toàn dân. Ở hoạt động thể thao quần chúng, ngành Thể thao đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 38–40% người dân tập luyện thể thao thường xuyên. Phong trào chơi bóng bàn phát triển, sự ra đời của các đội tuyển năng khiếu là một cách đầu tư, góp phần tạo ra đội ngũ huấn luyện viên tương lai để định hướng và thúc đẩy phong trào bóng bàn nói riêng và thể thao nói chung phát triển.

Một số huyện thị hiện nay gặp khó trong tổ chức tập luyện, thi đấu các môn thể thao. Đơn cử như bóng đá, bơi lội,… đều cần đầu tư không gian tập luyện khá tốn kém, chi phí duy trì không nhỏ. Trong khi đó, với bóng bàn, sự đầu tư có thể “nhẹ” và dễ nhân rộng hơn. Hiện tại, huyện Phong Điền và Quảng Điền đã có nhà thi đấu và đưa môn bóng bàn vào tập luyện.

Ông Lê Đình Thuần, Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Trung tâm Thể thao Huế - người có nhiều năm gắn bó với bộ môn bóng bàn cho rằng, phát triển bộ môn này hiện tại là một hướng đi “sáng”, ngoài khả năng đem lại thành tích cho thể thao tỉnh nhà, đây cũng là bộ môn giúp phong trào thể thao các huyện, thị đi lên.

Lê Hữu Phúc