Các lực lượng tham gia cứu hộ rùa biển

Hơn 10 năm tham gia cứu hộ rùa biển, anh Võ Giang, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản-Chi cục Thủy sản tỉnh, nếm trải không ít buồn vui.

nh Giang kể: “Một ngày cuối tháng 10 vừa rồi, lúc trời đã chập choạng tối, tôi nhận được lệnh từ thủ trưởng đơn vị, có một cá thể rùa trôi dạt vào bờ biển đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc). Hôm đó dù mưa rất to, trời lại tối, nhưng tôi và một đồng nghiệp chạy xe máy về Lăng Cô. Đến nhà chủ nhân bắt được rùa đúng 9 giờ tối, song không thể thả rùa về biển vào lúc này. Thế là, suốt đêm, anh em thay phiên túc trực, chờ trời sáng để thả rùa ra biển”.

Cứ mỗi lần tiếp xúc, cứu hộ mỗi cá thể rùa biển trôi dạt vào bờ, mỗi cán bộ thủy sản trải qua nhiều “cung bậc” cảm xúc, khó tả. Các loài rùa biển đều nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng. “Điều trước tiên mà chúng tôi lo lắng là liệu có cứu hộ thành công hay không? Những con rùa bị thương, sức khỏe yếu thường trông “rất buồn”, bỏ ăn, nước mắt chảy ròng ròng, cần sự chăm sóc. Những lúc như thế, chúng tôi cũng nao lòng, khi chưa cứu hộ thành công thì không một ai có thể yên tâm được”, anh Giang trải lòng.

Thả rùa về biển

Xen lẫn “cung bậc” buồn là những niềm vui khi thấy những cá thể rùa mạnh khỏe, chắc chắn an toàn khi thả về môi trường tự nhiên. “Mới đây, các ngày 24 và 26/10, chúng tôi cứu hộ thành công, thả hai cá thể rùa ra biển. Khi còn nhốt trong bể, hai cá thể rùa này khá yếu, nhưng khi được chăm sóc thì chúng “vui” hẳn, sức khỏe tốt dần lên. Đến khi “bén” hơi biển, thể trạng rất tốt, tung quẫy rất mạnh, bơi nhanh ra phía xa bờ biển. Mỗi lần chứng kiến như thế, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, ăn ngon cơm…”, anh Giang cười dòn.

Nhiều năm kinh nghiệm cứu hộ rùa biển, anh Giang cho rằng, không có biện pháp nào hiệu quả hơn bằng việc thả lại môi trường tự nhiên ngay sau khi vớt được rùa. Thời gian nuôi nhốt trong bể càng lâu thì sức khỏe rùa càng yếu. Khi mới bắt về nhốt, hầu như rùa không ăn. Các cá thể rùa được cứu hộ thành công lâu nay đều nhốt bể tối đa 1-2 ngày. Riêng có một cá thể rùa trôi vào bờ biển Lộc Vĩnh (Phú Lộc) năm 2014, vì có gắn “chíp” của nước ngoài, cần được kiểm tra nên phải mất một tuần mới thả, sức khỏe vẫn đảm bảo an toàn. Tính từ năm 2014 đến nay, tại vùng biển từ Quảng Điền đến Phú Lộc, có 17 cá thể rùa trôi dạt vào bờ biển, đầm phá đều cứu hộ thành công.

Số cá thể rùa được người dân bắt được, báo tin, phối hợp cứu hộ thành công mới chỉ là “bề nổi”. Chưa có con số thống kê nào về số lượng cá thể rùa được người dân bắt được, nhưng không khai báo mà giết thịt. Đây là điều đáng lo ngại trong công tác bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Anh Võ Giang nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, một cá thể rùa hơn 1 tạ trôi dạt vào bờ biển Vinh Thanh (Phú Vang), người dân không báo với chính quyền địa phương mà đưa vào bờ giết thịt. Khi cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh biết thông tin và về địa phương thì đã quá muộn.

Các loại rùa trôi dạt vào bờ biển, đầm phá thường là loài đồi mồi, họ vích, bộ rùa biển, đồi mồi dứa. Trọng lượng trung bình mỗi con từ 6kg đến gần 1 tạ… Các cá thể rùa đều thuộc loại quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, cấp độ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ: Năm 2015, một du khách nước ngoài vào một nhà hàng ở Lăng Cô, tỏ ra bức xúc khi chủ nhà hàng mang cá thể rùa nặng 32kg ra chào mời. Du khách này liền báo sự việc với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV). Nhận được tin báo từ trung tâm này, chúng tôi đã về vận động chủ nhà hàng thả cá thể rùa về môi trường tự nhiên”, ông Bình kể.

Điều này cho thấy, ý thức bảo tồn động vật hoang dã, rùa biển nói riêng của người dân còn thấp. Các thông tin liên quan công tác, biện pháp bảo tồn rùa biển chưa đến tận khu dân cư, từng người dân. Tại một số nơi, ngư dân quan niệm ăn thịt rùa biển sẽ rất “xui” nên khi bắt được thường thả ra biển. Đây là yếu tố thuận lợi đối với cơ quan chức năng trong công tác bảo tồn. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người dân vẫn sử dụng thịt rùa làm thức ăn. Có trường hợp ở xã Vinh Thanh, bắt được rùa biển, cán bộ thủy sản yêu cầu thả bị đòi trả tiền mới thả…

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, nguyên nhân dẫn đến nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng là do nhiệt độ nước biển ngày càng ấm lên, khiến rùa không thể thích nghi và do con người khai thác trái phép quá mức, tận diệt. Muốn bảo tồn hiệu quả, cần sự chung tay của cộng đồng, ý thức, trách nhiệm của người dân. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn rùa biển phải đến tận từng hộ gia đình, không nên khai thác, buôn bán, ăn thịt rùa biển…

Bài, ảnh: Hoàng Triều