Nhiều năm về trước, người dân Hương Lâm sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy và trồng lúa, song thu nhập không ổn định do diện tích canh tác ít, phương thức trồng trọt lạc hậu nên năng suất lúa thấp, nương rẫy hoang hóa, bạc màu do vậy cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chính quyền huyện, xã đã bàn nhiều giải pháp tháo gỡ, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

 

Một trong những biện pháp được xem khá tích cực, đó chính là việc chính quyền các cấp cử cán bộ khuyến nông, lâm, ngư đến các thôn, bản đẩy mạnh công tác vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, trồng trọt theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật; áp dụng mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng, trồng rừng… Bên cạnh đó, chính quyền xã Hương Lâm tích cực huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để giúp người dân vay mua sắm tư liệu sản xuất.

 

Ngoài ra, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo nhờ cây kinh tế cao su, năm 2008, huyện A Lưới triển khai trồng mới 629ha cao su tại 6 địa phương, trong đó có xã Hương Lâm (dự kiến khoảng đến năm 2014 bắt đầu khai thác mủ, sẽ cho thu nhập ổn định)… Nhờ vậy, đến nay, diện mạo cuộc sống của người dân Hương Lâm bước đầu đổi thay; nhiều hộ gia đình đã thực sự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Trong số đó phải kể đến gia đình chị Hồ Thị Thời với mô hình vườn – ao – chuồng - rừng; hộ gia đình chị Kăn Ly Thanh với mô hình nuôi heo và trâu bò, Kăn Sơn Ca ... Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng chị Kăn Ly Thanh cho biết: “Trước đây gia đình mình cũng như các hộ gia đình khác trong thôn A So 1 này chỉ biết làm nương làm rẫy thôi nên cuộc sống khó khăn lắm, nay nhờ cán bộ hướng dẫn nuôi lợn thịt, trâu bò và được Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho vay vốn nên chúng tôi đã nuôi lợn và trâu bò, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, trong thôn A So 1 nhà nào cũng nuôi heo, nuôi cá và nuôi trâu bò, trung bình mỗi hộ gia đình có từ 2 đến 5 con  trâu bò”.

 

Khi đánh giá về kết quả phát triển kinh tế của địa phương, anh Nguyễn Anh Nể - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho biết: “Hương Lâm đang từng bước chuyển mình nhờ phát động đúng mô hình kinh tế của địa phương là trồng lúa nước, vườn – ao – chuồng – rừng. Tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian qua giảm mạnh, đến nay, ước còn khoảng 9%. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động đến tất cả người dân địa phương để mọi người dân hưởng ứng tốt mô hình phát triển kinh tế này. Mong muốn của chúng tôi là quyết tâm đưa Hương Lâm ngày càng giảm nghèo một cách bền vững”.

 

Chúng tôi được biết, đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 231/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách 71 xã của 20 tỉnh hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II, trong số xã này, Thừa Thiên Huế có 3 xã hoàn thành mục tiêu, đó là: xã Hương Lâm (huyện A Lưới), xã Hương Hữu (huyện Nam Đông) và xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). Điều này đã cho thấy sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân các địa phương trên, trong đó có xã Hương Lâm.

 

Với quyết tâm cao của huyện và xã trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hy vọng trong thời gian không xa, Hương Lâm sẽ là điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện A Lưới.

 

Gia Hân