Lao động kiếm sống buộc nhiều trẻ em phải thôi học. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ bỏ học cao nhất trong số 41 quốc gia được khảo sát là ở Afghanistan, nơi có đến 9 trên 10 đứa trẻ nói rằng làm việc để kiếm sống khiến chúng không thể đến trường, ChildFund Alliance - một mạng lưới toàn cầu nhằm thúc đẩy quyền trẻ em tiết lộ sau cuộc khảo sát với khoảng 6.200 trẻ em tuổi từ 10-12 tuổi.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trên toàn cầu hiện có khoảng 59 triệu trẻ em không được đến trường ở cấp tiểu học.

Ngày 20/11 hằng năm đánh dấu Ngày Quốc tế về Quyền trẻ em, được thiết lập để thúc đẩy Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, được thông qua vào năm 1989.

"Khi bọn trẻ buộc phải bỏ học thường xuyên và với mức độ rõ nét như vậy, chúng đang cho chúng ta thấy vấn đề nằm ở đâu", bà Anne Lynam Goddard - chủ tịch ChildFund Quốc tế, một phần của mạng lưới tiến hành các cuộc thăm dò cho biết, và nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng, "điều đó thuộc vào người lớn để ban hành các giải pháp".

Cũng theo cuộc khảo sát, gần 1/3 số trẻ em cho biết trường học của chúng không phải luôn luôn được an toàn. Các mối nguy hiểm cao nhất đã được ghi nhận ở Burkina Faso, nơi mà 1/5 số trẻ cho biết trường đã không bao giờ an toàn.

Quốc gia nghèo Tây Phi đã bị rung chuyển trong tháng Giêng năm nay do một cuộc tấn công ở thủ đô Ouagadougou, do al-Qaeda ở Maghreb tuyên bố thực hiện, đã giết chết 30 người, và nơi đây vẫn phải tiếp tục gánhi chịu các cuộc tấn công lẻ tẻ.

Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc năm ngoái đã thông qua một mục tiêu toàn cầu rằng, đến năm 2030, tất cả trẻ em sẽ có thể hoàn thành việc học ở cấp tiểu học và trung học miễn phí, nhưng việc thiếu kinh phí kinh niên đang ngăn cản tiến bộ của kế hoạch này, một báo cáo của LHQ năm nay cho biết.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters & USnews)