Kiểm tra huyết áp. Ảnh: Getty Images |
"Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh đột quỵ và bệnh tim, cướp đi mạng sống của khoảng 7,5 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Trên phạm vi toàn cầu, huyết áp cao không còn là vấn đề của thế giới phương Tây hay các nước giàu có. Đó là vấn đề của các quốc gia và những người dân nghèo nhất thế giới", tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Majid Ezzati đến từ trường Imperial College tại thủ đô London của Anh nói.
Trong giai đoạn 1975-2015, số người lớn bị cao huyết áp tăng từ 594 triệu người lên đến trên 1,1 tỷ người, theo số liệu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.
Các nước có thu nhập cao như Australia, Canada, Đức và Nhật Bản đã thực hiện nỗ lực "giảm" đầy ấn tượng ở tỷ lệ cao huyết áp. Trong khi sự gia tăng lớn nhất trong các trường hợp cao huyết áp được báo cáo tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở vùng cận Sahara châu Phi, Nam Á và một số quốc đảo Thái Bình Dương, nghiên cứu trên cho thấy.
Trong năm 2015, hơn một nửa số người lớn bị cao huyết áp, khoảng 590 triệu người đang sống ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Trong số đó, 226 triệu người ở Trung Quốc và 199 triệu người tại Ấn Độ. Ngoài ra, khoảng 1/3 số phụ nữ sống ở hầu hết các nước Tây Phi cũng bị cao huyết áp.
Chứng tăng huyết áp hiện vẫn là một "vấn đề sức khỏe nghiêm trọng" tại một số quốc gia ở Trung và Đông Âu, nơi có hơn 1/3 nam giới đang sống chung với tình trạng này, theo The Lancet.
Những người bị cao huyết áp, cũng được gọi là tăng huyết áp có nguy cơ cao mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận và chứng mất trí. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), huyết áp được xem là cao khi tăng lên đến 140/90 và cao hơn.
Giáo sư Ezzati nói thêm rằng, nếu không có "các chính sách hiệu quả" để cho phép những người nghèo nhất cải thiện chế độ ăn uống của họ, nhất là bằng cách giảm lượng muối, giúp giá trái cây và rau quả phải chăng, mục tiêu giảm 25% các trường hợp cao huyết áp đến năm 2025 của WHO là "không thể đạt được".
Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này thu được từ 19,1 triệu người sống ở 200 quốc gia và trong độ tuổi 18 trở lên.
Lê Thảo (Lược dịch từ Straitstimes & CNN)