Lần này là tác phẩm “Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau” qua giới thiệu của 2 tác giả Lê Đức Quang và Trần Đình Hằng thuộc Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế (NXB Thuận Hóa ấn hành).

Huế với tư cách là vùng đất phên dậu của nước Đại Việt xưa, là thủ phủ của xứ Đàng Trong và là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất luôn là đề tài hấp dẫn và thu hút các nhà nghiên cứu. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về vùng đất này đã được thực hiện bởi những người nước ngoài, đặc biệt là những người Pháp đầy duyên nợ. Họ có thể là nghiên cứu, nhưng cũng có thể là những nhà buôn đi tìm chốn làm ăn, là những nhà truyền đạo và cũng có thể là những người mặc áo lính. Tôi đã đọc nhiều công trình nghiên cứu công phu đó với đối tượng khảo sát là Huế cùng rất nhiều trang sách rời rạc bất chợt trong một báo cáo hay công trình nào đó có liên quan đến Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế xưa. Một cảm giác thật đặc biệt, đó là những khám phá đầy bất ngờ và thú vị về chính mảnh đất mình đang sống. Nó vừa xa lạ lại vừa gần gũi, là cái đã qua không bao giờ trở lại để hiểu được cần có những tri thức nhất định và cũng là những gì đang hiện hữu trong nếp nghĩ, sinh hoạt và cả những dấu xưa còn lại cho đến hôm nay, đang rất cần lời giải đáp.

Với tạp chí “Những người bạn Cố đô Huế” đồ sộ, ấn phẩm của Hội Đô thành Hiếu Cổ, do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút, mà cách đây 3 năm (2013) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ra đời, người Pháp (có sự cộng tác của người Việt) đã đặt một dấu mốc khó vượt trong hành trình nghiên cứu, khám phá Huế xưa. Và họ đã hoàn thành xuất sắc với tổng cộng khoảng 13.000 trang viết, 2.800 phụ bản và 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu rất công phu, xứng đáng là sách “gối đầu giường” cho những ai muốn khám phá Huế xưa.

So với những công trình nghiên cứu về Huế trước đó được viết bằng văn tự Hán Nôm và trên quan điểm Nho giáo, rõ ràng người Pháp và phương Tây đã mang lại cho bạn đọc hôm nay những trang viết gần gũi, dễ đọc hơn khi khảo tả, nghiên cứu, khám phá và giới thiệu về Huế. Các vấn đề được mô tả rõ ràng, sinh động và với những nhận xét, đánh giá khách quan xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề khoa học, hiện đại.

Trở lại với “Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau”, một Huế xưa như hiện hữu, đa diện, sinh động và nhiều góc cạnh, thật vô cùng thú vị khi đọc lại những trang sách mô tả khá cặn kẽ mà rất mới lạ về nhà quan, thuyền quan, thuyền rồng, một cuộc tập trận nhỏ, cuộc đấu giữa voi và hổ, đội quân voi với 800 con, rạp hát của nhà vua, lễ tế Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ tế Tịch Điền… Không dừng trong cuộc sống kinh thành, mà ngay ở những vùng ngoại ô Huế xưa với những chợ Dinh, chợ Được nổi tiếng, qua trang viết của Michel Đức Chaigneau như sống lại trong ta khi một lần đi qua hay nghe ai đó bâng khuâng nhớ lại.

Michel Đức Chaigneau, Léopold Cadière... và rất nhiều những người Pháp đã mang tâm hồn và tính cách Việt. Huế xưa đầy bất ngờ và thú vị đã như được sống lại qua những trang sách của họ.

ĐAN DUY