Hàng tồn kho, sức mua giảm, môi trường kinh doanh không thuận lợi, kinh doanh dịch vụ chưa có lãi... là những lý giải từ đối tượng vay. Nhìn từ góc độ ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tăng do dư nợ cho vay không tăng, do công tác phân loại nợ có chỗ chưa chính xác; cũng không loại trừ các ngân hàng cho vay để đảo nợ và che giấu nợ xấu...

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về rủi ro còn đến từ tình trạng một tài sản có thể được thế chấp nhiều nơi, chuyên gia của một ngân hàng cho rằng, đây cũng là điều không loại trừ nhưng khi không thu hồi được vốn, việc khởi kiện cũng chỉ là giải pháp cuối khi đối tác quá chây ì không chịu trả nợ. Hơn nữa, việc khởi kiện ra toà án rất lâu và nhiêu khê khi đã có Nghị định về vấn đề này, nhưng các ngân hàng vẫn còn phải chờ thông tư hướng dẫn của các bộ ngành về xử lý tài sản thế chấp. Đa phần, các ngân hàng chủ yếu tìm biện pháp thoả thuận và ngay khách hàng cũng không muốn lâm vào tình trạng này, do nó ảnh hưởng xấu đến thương hiệu và uy tín khi đặt kế hoạch kinh doanh lâu dài.

Vì lo nợ xấu hơn tăng trưởng tín dụng, nên hiện các ngân hàng đã cẩn trọng hơn trong việc không cho vay ồ ạt; chấp nhận lãi suất thấp bằng việc gửi vốn liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ để hưởng lợi tức (7-8%/năm). Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giảm độ rủi ro. Mặt hạn chế của sự an toàn này là nó không tạo ra sự lưu thông tích cực của tiền tệ.

Như vậy là, để kéo nợ xấu ra khỏi ngân hàng, hỗ trợ như một động lực cho sự phát triển của nền kinh tế và ổn định vĩ mô, bên cạnh việc trích lập, sử dụng dự phòng đối với rủi ro; kiểm soát, siết chặt hoạt động cho vay, các ngân hàng không thể chỉ cho vay đối với các cá nhân và doanh nghiệp có bảo hiểm tỷ giá mà còn phải đánh giá khả năng của từng doanh nghiệp để xem xét ngừng hay mạnh dạn cho vay tới các doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng hết tài sản thế chấp. Điều này được xem như là tiếp thêm lực để các doanh nghiệp xoay xở trả nợ cũ, giải quyết dần nợ xấu.

Đồng hành và tạo động lực phát triển của nền kinh tế, ngoài hoạt động tích cực hơn, lành mạnh hơn của hệ thống ngân hàng, trợ lực quan trọng mà các doanh nghiệp cần còn là sự tháo gỡ của các cơ quan liên quan trong việc miễn giảm thuế, kích thích đầu tư và sức mua; sắp xếp đổi mới cơ cấu doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ thị trường để hoạt động xây dựng và thị trường bất động sản phục hồi nhanh, lành mạnh hơn.

Hạnh Nhi