Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng sẽ làm gì trong thời gian tới để tránh hiện tượng giật cục trong việc đổi mới công tác giáo dục?
Đây là những câu hỏi được ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đặt ra với Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn sáng qua 16.11. Cụ thể, ĐB Thưởng băn khoăn thời gian qua có phải vì áp lực của chủ trương đổi mới sâu sắc toàn diện giáo dục mà Bộ vội vã đưa ra một số chủ trương chỉ đạo gây nhiều tranh cãi? Ông cũng dẫn chứng Thông tư 30 sau đó thay bằng Thông tư 22 với những nội dung nghe tưởng như đánh giá cán bộ, công chức như "hoàn thành" hay "không hoàn thành" nhiệm vụ. Tiếp đó mô hình trường học mới (VNEN), rồi việc thay đổi liên tục phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia gây lúng túng cho phụ huynh, học sinh và cả giáo viên mấy năm qua...
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Thông tư 30 “tinh thần rất tốt” giúp đánh giá học sinh trên tinh thần khuyến khích động viên tuổi mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết nghiêm khắc rút kinh nghiệm về việc chuẩn bị để áp dụng phương thức đánh giá mới này, trong đó việc tuyên truyền chưa tốt, dẫn đến bức xúc. Bộ trưởng cũng thừa nhận khi áp dụng cần phải tính toán kỹ hơn để phù hợp với điều kiện của VN. Sau khi nhận thức điều này Bộ đã sửa và Thông tư 22 khắc phục được căn bản những bất cập không đáng có. Bộ trưởng cho rằng, đổi mới giáo dục là quá trình lâu dài, cần có lộ trình và phải được từng bước hoàn thiện. Nếu bây giờ việc gì cũng phải chắc chắn mới làm thì khó có thể đổi mới. “Với tinh thần khẩn trương, nhưng phải chắc chắn và thực tế chúng tôi đã làm. Tuy nhiên, đâu đó một vài việc, chúng tôi phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện”, Bộ trưởng nói.
Mổ xẻ dự án lãng phí
Trước đó, ĐB Dương Minh Ánh (TP.Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Nhạ cho biết về khả năng đạt mục tiêu của Đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020. Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỉ đồng và đến nay đã chi hết 5.000 tỉ đồng nhưng chưa đạt được như mong muốn về năng lực ngoại ngữ của thanh niên VN trong môi trường hội nhập… “Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó đến năm 2020 dự án này sẽ đạt được mục tiêu không?”, ĐB Ánh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng GD-ĐT thẳng thắn cho biết Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ không đạt được mục tiêu, đồng thời nhận trách nhiệm về vấn đề này. Lý do, việc dạy và học ngoại ngữ là vấn đề rất lớn, lâu dài, liên quan đến rất nhiều nhóm đối tượng. “Để hoàn thành các mục tiêu như đề án cần có thời gian và chi phí rất lớn. Trong quá trình triển khai đề án gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí, chuẩn bị”, Bộ trưởng giải thích và cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh đề án này theo hướng thống nhất chương trình, nội dung, có hệ thống; tập trung vào đào tạo đội ngũ giáo viên và phương thức đào tạo trực tuyến từ xa để nhiều nhóm đối tượng có thể hưởng lợi...
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, với kinh phí hơn 9.000 tỉ, đây là một dự án “đại lãng phí” vì sau 8 năm không đạt được mục tiêu. “Dự án chỉ tập trung vào đầu tư, mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, đa chức năng, tuy nhiên chưa đồng bộ, tương thích, nhất là với các tỉnh nghèo. Chính vì vậy, hiệu quả sử dụng thấp, một số trang thiết bị đắt tiền đang "chết lâm sàng" đúng quy trình”, ĐB Vượt nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết các biện pháp tránh lãng phí cũng như bài học rút ra để tránh lặp lại tình trạng này.
Theo Bộ trưởng, tổng kinh phí của đề án là hơn 9.000 tỉ, nhưng đến nay mới chỉ sử dụng hơn 3.000 tỉ, trong đó các địa phương chi khoảng 1.600 tỉ. Khi phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai đề án, Bộ đã ngay lập tức điều chỉnh theo hướng sử dụng ít tiền hơn, không tiếp tục đầu tư, mua sắm các trang thiết bị đắt tiền, thay vào đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đầu tư xây dựng chương trình học.
Sinh viên ra trường thất nghiệp chủ yếu ở trường “top” dưới
Dẫn số liệu thống kê, ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) cho biết cả nước hiện có khoảng 191.000 sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ không có việc làm gây lãng phí lớn. Trong khi đó các trường trung cấp, CĐ vẫn tiếp tục đào tạo một cách mất cân đối giữa cung và cầu. “Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh lãng phí về kinh phí và nguồn lực?”, ĐB Minh đặt câu hỏi. Tương tự, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Anh Trí (TP.Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và giải pháp cho vấn đề này.
Bộ trưởng Nhạ cho biết từ khi nhận nhiệm vụ rất trăn trở, bởi vì sứ mạng của các trường đại học, trong đó đào tạo ra phải có việc làm. “Tuy nhiên, không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, ngay cả Harvard cũng vậy, cũng phải có một thời gian, phải có một độ để tiếp cận thực tiễn và thực tiễn phải đào tạo, bổ sung mới thích ứng với điều kiện thị trường lao động chứ không phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, trung bình cứ 5 năm sẽ có 300.000 sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Số sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thường rơi vào các nhóm trường top trên, là những trường có bề dày, có kinh nghiệm. Phần lớn sinh viên chưa có việc làm hoặc thất nghiệp lâu rơi vào những trường chất lượng yếu, các trường mới thành lập. Vì vậy, Bộ trưởng cho biết tới đây làm rất mạnh về điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành để làm sao những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém thì hỗ trợ họ theo hướng hoặc thành phân hiệu hoặc thành một trường thành viên của trường đại học lớn.
Điều giáo viên nữ đi tiếp khách là không thể chấp nhận Sau nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin làm rõ thêm một số vấn đề ĐB Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn. Phó thủ tướng cho biết ông đặc biệt chia sẻ tình cảm với những ý kiến mà các ĐB cũng như nhân dân, liên quan đến vụ việc các cô giáo ở Hà Tĩnh. Phó thủ tướng cho rằng “đây là một việc rất không tốt, không chỉ với giáo viên mà với tất cả cán bộ, nhân viên nữ, đặc biệt là với giáo viên”. Theo Phó thủ tướng, nếu không có những thái độ kiên quyết sẽ có những biểu hiện manh nha khác. “Nếu chúng ta để ý, có một vài cơ quan đến các ngày lễ, ngày kỷ niệm yêu cầu cán bộ, công nhân viên nữ đứng ra làm tiếp tân tiếp khách một cách không cần thiết. Không phải chỉ tiếp khách là đi quán hàng đi nhậu đâu, tôi cho rằng những việc này chúng ta nên chấn chỉnh”, Phó thủ tướng nói. |
Theo Thanh niên