Tạo môi trường thực tập
Từ lúc còn là sinh viên, Võ Tuấn Anh đã đam mê công tác thiện nguyện. Mỗi chuyến trao quà ở vùng sâu, vùng xa, anh cảm nhận được khó khăn của bà con và mong muốn làm được nhiều việc giúp họ. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Nhận thấy sinh viên thiếu môi trường thực tập, ý tưởng về một tổ chức vừa giúp sinh viên học vừa giúp người nghèo lóe lên trong anh.
Ngoài giờ học, thầy Tuấn Anh ở lại hướng dẫn đồ án cho sinh viên
Năm 2014, cơ duyên giúp Võ Tuấn Anh gặp được một người bạn ở Trung tâm Hành động vì sự phát triển Đô thị (ACCD). Sau nhiều lần bàn bạc, đến Hội An học tập, anh quyết định phối hợp thành lập câu lạc bộ (CLB) Viên gạch hồng, tập hợp một số sinh viên Khoa Kiến trúc làm các sân chơi giá rẻ cho trẻ em nghèo.
Mô hình các sân chơi của CLB Viên gạch hồng dựa trên vật liệu tái chế rẻ tiền. Từ các ý tưởng về kiến trúc, thầy giáo Tuấn Anh định hướng cho sinh viên cách thiết kế các sân chơi phù hợp với không gian từng nơi. Anh tâm sự, ngoại trừ các đợt thực tập do nhà trường tổ chức, sinh viên khó tìm được môi trường để thử nghiệm những kiến thức mình được học. CLB Viên gạch hồng hướng đến mục đích thiện nguyện nhưng cách làm thì dựa trên kiến thức chuyên ngành kiến trúc, nên đó là nơi để các sinh viên thực tập nghề và rèn luyện kỹ năng mềm.
Hai năm vừa làm vừa hướng dẫn, Tuấn Anh cùng học trò làm được 5 sân chơi giá rẻ và vườn rau hữu cơ ở Tịnh trúc gia, Trường mầm non thôn Hiền Sĩ (Phong Sơn, Phong Điền),… và mở thêm các trò chơi play street miễn phí cho trẻ em TP. Huế. Nhờ hoạt động này, nhiều học trò của thầy giáo Anh đã trưởng thành và chủ động hơn trong công việc thiết kế cũng như tự hiện thực hóa mô hình trên giấy. Phạm Hoài Phê, sinh viên K37, Khoa Kiến trúc tâm sự: “Các đội, nhóm trong trường giúp sinh viên phát triển nhiều kỹ năng nhưng không liên quan đến ngành học của tụi em. Tham gia câu lạc bộ Viên gạch hồng, em và các bạn như được trưởng thành hơn, tự ứng dụng những kiến thức mình được học ra thực tiễn để nâng cao khả năng nghề nghiệp”.
“Truyền lửa” đam mê
Trên giảng đường hay trong công tác thiện nguyện, thầy giáo Tuấn Anh luôn sát cánh cùng sinh viên. Mỗi tiết dạy, anh đếu cố gắng đưa những mô hình thực tế, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc của mình vào bài giảng để tránh tình trạng lý thuyết hóa kiến thức. Sinh viên nào có khúc mắc, anh sẵn sàng giải đáp hoặc có mặt ngoài giờ học khi họ cần, thậm chí chủ động ngồi lại cuối giờ để trao đổi. “Nhiều lần kết thúc tiết học, thầy trò ngồi lại trò chuyện đến 6 – 7 giờ tối. Phải hiểu tâm tư của các em mới giúp được”, thầy Tuấn Anh nói.
Ở CLB, thầy giáo Anh cũng luôn là người tiên phong trong các hoạt động. Anh tâm sự, lập ra CLB để các em làm công tác xã hội và thực tập nghề nhưng ban đầu nhiều sinh viên còn ngần ngại. Vừa động viên học trò tham gia, anh vừa xắn tay cùng làm, từ xin phế liệu đến bưng vác nặng nhọc. Lịch giảng dạy và việc gia đình bận rộn, nhưng anh luôn sắp xếp để đi thực địa, khảo sát và thường xuyên có mặt làm cùng sinh viên từ khâu thiết kế đến triển khai thực tế. Nhờ vai trò làm gương, từ số lượng 15 người lúc mới thành lập, đến nay CLB đã có đến 80 thành viên, nhiều sinh viên từ rụt rè giờ đã chủ động được công việc, trực tiếp thiết kế các sân chơi giá rẻ cho trẻ em nghèo. “Ban đầu bỡ ngỡ, một số bạn sợ làm không được nên muốn nghỉ. Nhờ thầy Anh mà bây giờ, các bạn đó đã trở thành trụ cột của CLB”, Phê kể.
Tạo cho sinh viên niềm đam mê, người thầy Khoa Kiến trúc cũng cố gắng nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết ấy cho học trò. Ngoài những giờ lên lớp, anh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ để trò chuyện, động viên sinh viên cố gắng học và hoạt động CLB trên tinh thần mình đã xây dựng. Anh khẳng định, trao quyền chủ nhiệm cho sinh viên, nhưng bản thân vẫn đảm nhận vai trò cố vấn, luôn trăn trở để làm sao phát triển CLB, kích thích niềm đam mê nhiều hơn từ phía sinh viên để các em trưởng thành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lê Hữu Phúc