Việc công bố nguyên nhân sớm giúp bà con yên tâm

Tại thời điểm đo đạc, lấy mẫu phân tích, hầu hết các thông số đánh giá chất lượng nước mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt - sau khi áp dụng xử lý thông thường) và quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển QCVN 10-MT:2015/BTNMT (vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh). Chỉ tiêu nhu cầu ôxy hóa học - COD và nhu cầu ôxy sinh hóa - BOD5 thấp hơn quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Riêng thông số nitrat của mẫu NMLCVH4 vượt không đáng kể so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT: 2,89/2 mg/l vượt 1,4 lần. Các mẫu nước mặt đầm Cầu Hai tại các lồng nuôi đều có thông số độ mặn thấp hơn bình thường ≤ 5‰ (đối với đặc điểm sinh học cá vẩu sống trong vùng có độ mặn của nước từ 10 -15‰ cá phát triển tốt).

Kết quả phân tích chất lượng nước mặt cho thấy phần lớn các chỉ tiêu đều đạt QCVN, không ảnh hưởng đến môi trường sống và hoạt động nuôi cá lồng bè của các hộ dân trong vùng. Nguyên nhân chính khiến cá vẩu chết được xác định là do không thích nghi với môi trường nước ngọt (hay nước lợ bị ngọt hóa).

Cá vẩu là loại cá sống ở tầng nước mặt và sinh trưởng tốt trong vùng nước lợ. Trên địa bàn xã Vinh Hiền vào chiều 8/11 có xảy ra hiện tượng mưa giông với lượng mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn, có kèm theo sấm sét đánh thẳng xuống vùng nuôi cá lồng. Do cá vẩu được nuôi ở tầng nước mặt, lại không sinh trưởng tốt trong môi trường nước bị ngọt hóa kết hợp với mưa kèm sấm sét dẫn đến có khả năng cá bị sốc nguồn nước.

Quá trình khảo sát cho thấy, khoảng cách các lồng nuôi cá và khoảng cách giữa các hộ nuôi không đúng theo yêu cầu kỹ thuật cũng như quy chuẩn (lồng cách lồng 1m và hộ cách hộ 5m). Điều này dẫn đến giảm lưu lượng dòng chảy cũng như khả năng tự làm sạch, khó bổ sung ôxy cho nguồn nước dẫn đến vùng nuôi bị thiếu ôxy hoặc không cung cấp bổ sung nguồn nước đủ độ mặn cho việc nuôi cá lồng trong đó có cá vẩu. Đây cũng có thể là một trong nhóm các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hoặc bơi lờ đờ trên mặt, nhất là khi mưa lớn cung cấp lượng nước ngọt đột ngột không kịp pha loãng do dòng nước không lưu thông.

Từ kết quả khảo sát thực tế và các mẫu phân tích nói trên, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên quan trắc chất lượng nguồn nước tại các vị trí xung yếu tập trung nuôi trồng thủy sản để kịp thời thông báo cho người dân và hướng dẫn cách ứng phó nếu có diễn biến xấu về môi trường nuôi trồng. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cho người dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh về quy chuẩn bố trí, sắp xếp khoảng cách các lồng và khoảng cách giữa các hộ nuôi. Tránh việc bố trí các lồng nuôi và khoảng cách giữa các hộ nuôi quá sát nhau dẫn đến hiện tượng nước bị tù đọng không được lưu thông.

Việc Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường và các sở ban ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc, phân tích, đánh giá và công bố kết quả đã giúp người dân sớm biết được nguyên nhân và yên tâm tiếp tục nuôi trồng thuỷ sản cũng như tiêu thụ. Đồng thời góp phần phòng chống các tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng, các tiểu thương buôn bán cá trên địa bàn và các vùng lân cận, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung; nhất là trong bối cảnh các cấp chính quyền, ban ngành đang nỗ lực khắc phục sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Lê Minh