Thấy ánh sáng cuối đường hầm
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Viện Huyết học-Truyền máu, cũng là đại diện nhóm tác giả cho biết, với nhiều bệnh máu, dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị chỉ có thể cải thiện về thời gian sống thêm mà không thể khỏi bệnh hoàn toàn, đặc biệt là các nhóm bệnh có tổn thương tế bào gốc tạo máu như lơ xê mi cấp, lơ xê mi kinh, suy tủy xương, tan máu bẩm sinh…và một số nhóm bệnh ung thư máu.
Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - trao giải Nhất lĩnh vực Y dược cho GS Trí và các cộng sự Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho những nhóm bệnh về tế bào gốc tạo máu chính là thay thế những tế bào tổn thương đó bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, kỹ thuật này mặc dù đã phổ biến rất rộng rãi trên thế giới nhưng còn chưa được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam. Bệnh nhân muốn có cơ hội được điều trị bằng ghép tế bào gốc phải ra nước ngoài, chi phí tốn kém.
Với quyết tâm tìm cơ hội cho những người bệnh bằng kỹ thuật mới này, tháng 11/2006, Viện tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý ác tính như đa u tủy xương, lơ xê mi cấp…
GS Trí cùng các đồng nghiệp vẫn không thể quên trường bệnh nhân là cô gái 8x Nguyễn Thanh Hương (Bắc Giang). Năm 2012, Hương được chẩn đoán ung thư máu, cô chiến đấu trường kỳ với kim, truyền, hóa chất nhưng tiên lượng bệnh nhân ngày càng xấu…
“Muốn cứu sống bệnh nhân chỉ có duy nhất một phương pháp điều trị là tiến hành ghép Tế bào gốc. Vì thế, sau 1 năm điều trị bằng các phương pháp truyền thống không hiệu quả, các bác sĩ quyết định ghép tế bào gốc cho bệnh nhân. Nguồn tế bào gốc được lấy từ người chị gái ruột. Đúng như tiên lượng, sau khi ghép tế bào gốc, cô đã “lội ngược dòng” từ chỗ đe dọa cửa tử đến một cuộc sống khỏe mạnh.
Trái ngược với hình ảnh cô gái gầy dơ xương, yếu ớt, tóc rụng trọc lốc thời tiêm truyền hóa chất, giờ Thanh Hương khỏe mạnh, tự tin với công việc và cuộc sống, có thể lập gia đình, sinh con. Gặp cô, không ai có thể nghĩ Hương đã từng là bệnh nhân đứng trước cửa tử vì căn bệnh ung thư máu quái ác.
Trường hợp của Hoàng Thùy Linh (28 tuổi, Quảng Bình) là ca đầu tiên ghép tế bào gốc không cùng huyết thống. Bệnh nhân bị ung thư máu, được điều trị 2 đợt hóa chất và lui bệnh hoàn toàn. Nhưng với thể bệnh , nếu không ghép tế bào gốc cho bệnh nhân, bệnh có nguy cơ tái lại và khi đó khó giành giật được sự sống.
Bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc không cùng huyết thống đầu tiên, chữa khỏi căn bệnh ung thư máu nguy hiểm
Dù bệnh nhân được em trai cho tế bào gốc nhưng chỉ số lại không phù hợp. Do đó, các bác sĩ thử “vận may”, tìm nguồn tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện. Điều may mắn đã đến, khi các bác sĩ đã tìm được 6 mẫu hòa hợp và đã quyết định chọn mẫu có chỉ số hòa hợp cao nhất (đạt 4/6 chỉ số) dù bất đồng nhóm máu.
Ca ghép được tiến hành vào 30/12/2014 và bệnh nhân được ra viện khỏe mạnh 4 tháng sau ghép.
“Ngân hàng” gieo sự sống
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, rõ ràng ghép tế bào gốc đã đem lại cho người bệnh một cuộc sống mới, có cơ hội khỏi bệnh. Tuy nhiên, rào cản không chỉ vì chi phí, mà nguồn tế bào gốc ban đầu còn phụ thuộc tự thân, từ anh em, cha mẹ cùng huyết thống.
Tại Việt Nam, nguồn tế bào gốc sử dụng cho điều trị chủ yếu lấy từ người hiến là anh chị em ruột với khả năng phù hợp chỉ khoảng 30%. Những bệnh nhân không có anh chị em ruột phù hợp để hiến tế bào gốc thì phải tìm người hiến không cùng huyết thống. Nguồn người hiến này hiện tại chưa được phổ biến tại Việt Nam nên bệnh nhân cũng sẽ phải ra nước ngoài điều trị.
Bé 5 tuổi được ghép tế bào gốc thành công
Từ tháng 5/2014 Viện đã triển khai Ngân hàng Máu dây rốn cộng đồng, thu thập, lưu trữ máu cuống rốn của trẻ em, giúp tận dụng được nguồn tế bào gốc quý giá để điều trị cho bệnh nhân cần ghép. Tính đến tháng 10/2016, Viện đã thu thập, xử lý và lưu trữ thành công 2900 đơn vị máu dây rốn, trong đó có 2500 đơn vị máu dây rốn cộng đồng đảm bảo chất lượng, đã sàng lọc các tác nhân truyền nhiễm..
Theo GS Trí, Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng, thực sự mở ra cơ hội cho hàng nghìn người bệnh mắc các bệnh về ung thư máu, các bệnh lý về máu, bởi cơ hội tìm tế bào gốc hòa hợp là rất lớn.
TS Bạch Quốc Khánh, Phó Giám đốc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương dẫn chứng: “Khi Viện tiến hành đọ chéo HLA của 45 bệnh nhân cần tìm nguồn tế bào gốc để ghép thì có đến 44/45 người tìm được mẫu phù hợp, như vậy khả năng thành công đạt tới 97.8%. Đây là cơ hội quá lớn cho cả nghìn bệnh nhân mắc bệnh về máu. Bởi nếu chỉ dựa vào tế bào gốc cùng huyết thống cơ hội sẽ rất ít. Ví dụ nếu là sinh đôi cùng trứng tỷ lệ phù hợp gần như 100% nhưng anh chị em ruột thì chỉ là 20-25%, cơ hội vô cùng thấp”.
Viện đã thực hiện sử dụng 13 đơn vị máu dây rốn, bảo quản và sử dụng 255 đơn vị tế bào gốc từ máu ngoại vi, dịch tủy xương cho cả bệnh nhân nội viện lẫn bệnh nhân ngoại viện.
Sau thành công của rất nhiều ca ghép tế bào gốc, hiện Viện đang mạnh dạn triển khai đối tượng ghép sang nhiều nhóm bệnh như u lympho ác tính, lơ xê mi kinh dòng hạt, suy tủy xương, tan máu bẩm sinh, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm…
Kể từ ca ghép đầu tiên năm 2006, đến nay, Viện đã ghép thành công hơn 230 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh máu và cơ quan tạo máu, gồm 124 ca ghép tự thân và 106 ca ghép đồng loài, chiếm khoảng 50% tổng số ca ghép của cả nước.
Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” của 13 tác giả tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương gồm hơn 50 công trình liên quan đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng thế bào gốc mà bệnh viện đã triển khai. Các tác giả tham gia công trình gồm: GS.TS. Nguyễn Anh Trí; TS.BS. Bạch Quốc Khánh; TS.BS. Trần Ngọc Quế; BSCKII. Võ Thị Thanh Bình; TS.BS. Lê Xuân Hải; TS. Dương Quốc Chính; TS.BS. Nguyễn Ngọc Dũng; ThS.BS. Nguyễn Vũ Bảo Anh; ThS.BS. Nguyễn Bá Khanh; CN. Lê Xuân Thịnh; BSCKII. Phạm Tuấn Dương; ThS. Võ Thị Diễm Hà; PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh. |
Theo Dân trí