Từ quy mô “làng”

 

Chúng tôi đến Cơ sở sản xuất bún, phở khô và mì lát Châu Văn Bắc vào trung tuần tháng 7. Một không khí sản xuất nhộn nhịp với các công đoạn trộn bột, cán sợi và phơi sản phẩm với gần chục nhân công. Xuất thân từ gia đình thuần nông quanh năm bám lấy ruộng đồng, song chẳng bao giờ gia đình anh có được của ăn, của để. Đầu năm 2000, anh Bắc quyết định chuyển sang sản xuất các loại bún, phở khô để phục vụ bà con trong làng với quy mô nhỏ. Dần dần, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, các hộ kinh doanh đặt hàng ngày càng nhiều nên anh thuê thêm nhân công để sản xuất với số lượng lớn. Từ đó, anh bắt đầu học thêm nghề làm mì lát vì sản phẩm này được người dân nông thôn ưa dùng bởi rất tiện lợi khi chế biến và có giá rẻ. Do các công đoạn từ trộn đến cán bột đều làm thủ công nên dù bỏ sức người khá nhiều, song mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất vài chục cân, cung không đủ cầu.

 

Sản phẩm bún khô sau công đoạn sản xuất

 

Anh Bắc nhiều lần đến các cơ sở cơ khí để hỏi mua máy cán và cắt bột để tiết giảm sức lao động, sản phẩm làm ra đều và đẹp hơn so với làm thủ công nhưng do giá cao nên vẫn chưa thực hiện. Sau khi được Phòng Công thương huyện đến khảo sát và tìm hiểu, hướng dẫn các thủ tục xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở như được tiếp thêm sức mạnh, mạnh dạn đầu tư kinh phí để trang bị máy.

 

Đến sản xuất đại trà

 

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm KC & XTTM tỉnh cho biết: “Năm 2012, thông qua nguồn vốn khuyến công địa phương, trung tâm đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất nông thôn đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để mở rộng quy mô, nâng cao công suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường như máy ép củi trấu, máy tinh chế dầu tràm, thiết bị đánh bóng sợi tăm đũa tre, máy lọc và chế tạo khuôn đúc rượu, máy đập búa rèn… Mục đích của chương trình nhằm góp phần hỗ trợ các cơ sở, DN nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.”

Qua khảo sát và thẩm định các đề án khuyến công do Phòng Công thương huyện Quảng Điền giới thiệu, tháng 3/2012 Trung tâm KC & XTTM tỉnh quyết định hỗ trợ cơ sở sản xuất bún, phở khô và mì lát Châu Văn Bắc 17 triệu đồng đầu tư máy cán và cắt bột liên hợp có công suất 20-30 tấn/phút phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mở rộng quy mô. Từ nguồn hỗ trợ này, cơ sở đầu tư 42 triệu đồng để trang bị máy. Máy cán và cắt bột liên hợp là sản phẩm mới với sự kết hợp giữa cán và cắt liên hợp trên một máy, giảm bớt sức lao động và nâng cao năng suất. Cấu trúc của máy đơn giản, có độ chính xác cao và dễ sử dụng nên chỉ sau vài tháng đưa vào hoạt động, cơ sở đã mở rộng quy mô, sản xuất đại trà và chất lượng sản phẩm hoàn thiện hơn trước. “Nhờ trang bị máy cán và cắt bột liên hợp nên hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất gần 5 tạ sản phẩm các loại, tăng gấp 10 lần so với trước, doanh thu đạt trên 20 triệu đồng/tháng. Cơ sở đang mở rộng quy mô, đầu tư thêm một số thiết bị như máy trộn bột, giàn phơi và các phụ kiện cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh”. Anh Châu Văn Bắc, chủ cơ sở cho biết.

 

Theo anh Nguyễn Đình Đức, Trưởng phòng Công thương huyện Quảng Điền: “Nguồn hỗ trợ của Trung tâm KC & XTTM tỉnh đã góp phần thúc đẩy các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn huyện trang bị máy móc thiết bị hiện đại để thay thế sức người, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, sau khi được hỗ trợ vốn, nhiều cơ sở đã mở rộng quy mô, giải quyết việc cho nhiều lao động nông thôn và mở rộng thị trường tiêu thụ, đây chính là hiệu quả kinh tế lớn nhất mà chương trình khuyến công mang lại.”

 

Bài, ảnh: Thanh Hương