Anh Tuấn (giữa) cùng già làng (xã Hồng Vân) trao đổi về tình hình của bà con địa phương

Hết lòng

Mưa lớn kéo dài. Những lối đi bùn đất trơn trượt. Thời tiết này, ít ai lên nương, rẫy, chủ yếu chỉ quây quần bên bếp lửa trong nhà sàn nướng bắp, sắn. Tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (đóng trên địa bàn xã Hồng Vân), Đội trưởng Đội vận động quần chúng Lê Anh Tuấn vội vã mặc hai lớp áo mưa, đi ủng để chuẩn bị “chạy một vòng” vào nhà dân xem có hộ nào bị ảnh hưởng gì không. Tuấn bảo, anh không yên tâm nhất là hộ bà Kăn Rôi và ông Cu Vát ở xã Hồng Thủy. Bà lão đã hơn 80 tuổi. Ông lão bị tâm thần nhẹ. Ông bà sống với hai đứa cháu gái mồ côi, đứa 8 tuổi, đứa 5 tuổi. Mưa lớn kéo dài, không biết một mình bà lão xoay xở thế nào.

Đèo Peke (giữa hai xã Hồng Vân và Hồng Thủy) vắng tênh, dài hun hút trong cơn mưa mù mịt. Mất hơn nửa giờ đồng hồ mới đến được đầu ngõ nhà bà Kăn Rôi. Đường lầy, Tuấn để xe lại, lội bộ vào nhà. Ông lão nằm còng queo nơi góc nhà cạnh đứa cháu. Bà lão đang loay hoay dùng xô, chậu nhựa đặt trên sàn hứng nước dột từ mái nhà thủng lỗ chỗ. “Bộ đội biên phòng đến đấy hả con. Hôm nay đứa em sốt nên mẹ cho ở nhà. Đứa chị đi học, cũng gần đến giờ về. Mưa quá. Con đến, mẹ yên cái bụng” - bà Kăn Rôi nói. Tuấn ngó nghiêng mái nhà, tạm thời che chỗ này chắn chỗ kia, lẩm nhẩm tính tính toán toán. Anh bảo vừa rồi một số nhà hảo tâm thông qua kênh báo chí gửi hỗ trợ gia đình bà Kăn Rôi một khoản tiền. Thiếu thốn nhiều thứ, nhưng đối với vợ chồng bà Kăn Rôi và hai đứa cháu mồ côi, lợp lại mái nhà là nhu cầu thiết yếu nhất. Tuy nhiên khoản tiền đó vẫn chưa đủ nên anh đã xin ý kiến của chỉ huy đồn, đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ tre. Chỉ chờ ngày nắng ráo, bộ đội biên phòng đồn Hồng Vân sẽ bắt tay giúp gia đình bà Kăn Rôi làm lại mái nhà.

Dân quý

Vừa đến giờ tan học, Tuấn tranh thủ chạy đi đón đứa cháu lớn (8 tuổi) của vợ chồng bà Kăn Rôi, trước khi “rảo” đến gia đình “hoàn cảnh” khác. Người đội trưởng đội vận động quần chúng rời xã Hồng Thủy khi trời đã sập tối. Thế nhưng, Tuấn vẫn chưa về “nhà” mà chạy ngược vào xã Hồng Trung, nơi có gia đình đang cưu mang đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đêm mưa vùng rừng núi tối đặc, nhưng Tuấn đã thuộc đường như thuộc lòng bàn tay.

Tuấn kể, cháu bé đáng thương lắm. Mẹ bị ung thư mất khi cháu chưa đầy 5 tháng tuổi. Không bao lâu sau đó cha của cháu cũng qua đời vì căn bệnh quái ác này. Ông bà nội ở xa, tận tỉnh Thanh Hóa. Ông bà ngoại già yếu nên dì ruột thương, không lấy chồng, ở vậy chăm sóc cháu. Tuy nhiên, do cảnh nhà khó khăn nên cháu thiếu thốn đủ thứ. Vì vậy các anh ghé thăm thường xuyên để hỏi han việc học hành, động viên tinh thần cháu. Giúp được gì cho cháu hay gia đình, các anh đều giúp. “Bộ đội đối với gia đình gần gũi, tận tình lắm. Quý lắm. Gia đình tôi coi Tuấn và bộ đội biên phòng như người trong nhà.” - bà ngoại cháu bé nói.

“Quý lắm” là tình cảm của rất nhiều người dân xã Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Trung (những địa bàn do Đồn biên phòng Hồng Vân quản lý) nói về Thượng úy Lê Anh Tuấn, bởi tấm lòng của anh. Không tận tâm, không “nặng lòng” với bà con thì Tuấn không thể nào “thuộc” hết từng hộ gia đình, chỉ cho họ cách chăn nuôi hay trồng trọt phù hợp với hoàn cảnh từng nhà, làm sao vừa phát triển được kinh tế lại bảo đảm môi trường sống. Trăn trở với những hoàn cảnh khó khăn của các cụ già, các em thơ bất hạnh ở biên giới xa xôi còn nhiều thiếu thốn nên anh hết lòng sẻ chia, giúp đỡ. Thế nhưng Tuấn lại bảo, những điều đó là bình thường mà bất cứ chiến sĩ biên phòng nào cũng làm.

“Tuấn là đồng chí rất năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được người dân trên địa bàn tín nhiệm, quý mến, xứng đáng là một người đội trưởng đội vận động quần chúng” - Thượng tá Nguyễn Văn Nga, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân chia sẻ.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH