Người di cư, phần lớn từ Syria, đứng chờ xe đến Thụy Điển từ Đan Mạch - Ảnh: Reuters |
Đó là lời của Fredrik Onnevall, nhà báo Thụy Điển, được AFP trích dẫn ngày 17/11 khi được hỏi về việc ông đã giúp Abed, một cậu bé người Syria, từ Hi Lạp tới Thụy Điển. Vụ việc khiến ông đang đối mặt với cáo buộc vi phạm luật nhập cư.
Bơ vơ ở Hi Lạp
Mùa xuân năm 2014, Fredrik Onnevall thực hiện một bộ phim tài liệu về cách các đảng theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu đối xử với cuộc khủng hoảng di cư. Onnevall gặp Abed, một thiếu niên 15 tuổi đã chọn Hi Lạp làm điểm đến từ cuộc di cư khỏi Syria, nơi diễn ra cuộc nội chiến 5 năm qua.
Tuy nhiên, Hi Lạp lại là một “nhà tù” đối với người nhập cư vì tình hình kinh tế sa sút, cũng như thái độ bài ngoại của các thành viên Đảng Bình minh vàng (Golden Dawn) - một đảng cực hữu ở Hi Lạp theo chủ nghĩa dân tộc.
Abed, do không có hộ chiếu, đã nhiều lần nhờ vả xin làm giả giấy tờ nhưng bất thành. Để thoát khỏi cuộc sống ở Hi Lạp, cậu bé chỉ còn một lựa chọn là đứng bên một cây cầu, đợi lúc tài xế xe tải đi ngang không để ý và nhảy lên đi lậu. Abed vô tình gặp Onnevall.
Theo báo chí Thụy Điển, nhà báo Onnevall muốn đưa Abed đến Anh, nhưng cậu bé nói muốn sang Thụy Điển do các thành viên gia đình của cậu đã sinh sống ở đó từ trước. Họ bắt đầu di chuyển sang Ý, sau đó đi phà thẳng đến Thụy Điển.
Cơ quan công tố Thụy Điển ngày 16-11 nói rằng ông Onnevall và những đồng nghiệp của mình vi phạm pháp luật nhập cư vì đã đưa một người nước ngoài vượt khỏi Hi Lạp và nhập cảnh Thụy Điển, bất chấp việc người này (Abed) không có hộ chiếu và không được cấp phép nhập cảnh.
Nếu bị quy tội danh này, Onnevall sẽ vào tù, trong khi hai đồng nghiệp trong êkip của ông tại ngoại.
Bộ phim do êkip Onnevall thực hiện đã được chiếu gần hai năm trước và tạo làn sóng dư luận đồng cảm với trường hợp này, thậm chí tức giận và chỉ trích cách xử lý của chính quyền quanh trường hợp của Abed.
Trong lần trả lời Đài truyền hình Thụy Điển (SVT) ngày 17/11 (đây cũng chính là nơi Onnevall làm việc), ông tiếp tục khẳng định không hối tiếc về quyết định trong quá khứ.
“Cậu bé ấy chỉ mới 15 tuổi, đang gặp nguy hiểm và cần sự giúp đỡ. Công tố viên rõ ràng không đưa ra phán xét ấy, nhưng các chuyên gia pháp lý tôi từng trao đổi cũng nói đó không phải là trường hợp phạm tội...
Tôi không có lý do gì để không làm điều đó cả vì không ai có thể giúp đỡ cậu bé. Tôi cũng nhận ra rằng đó là một quyết định mình sẽ gắn bó suốt đời” - ông Onnevall nói.
Về phần Abed, Expressen cho biết hiện cậu đã được một gia đình ở Thụy Điển nhận nuôi và học ở một trường không rõ tên.
Nguy cơ bế tắc
Câu chuyện của nhà báo Onnevall bất kể sai hay đúng cũng đã mô tả những khó khăn, bất cập do cuộc khủng hoảng di cư tạo ra. Thụy Điển cũng như nhiều nước châu Âu khác đều là đích đến của làn sóng người di cư từ Libya, Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan...
Trong số này, Thụy Điển chỉ xếp sau Đức trong danh sách những địa điểm người di cư muốn đến nhất. Tính tới năm 2014, chính quyền Stockholm đã đón nhận số người tị nạn cao nhất kể từ sau cuộc chiến vùng Balkans năm 1992, theo The Local.
Vấn đề ở chỗ dù nhiều người ủng hộ ông Onnevall, đây vẫn chỉ là trường hợp riêng lẻ và rất khó trách cách xử lý có phần cứng rắn của những người làm luật. Nói như công tố viên phụ trách vụ án Kristina Amilon thì “việc giúp đỡ ai đó vượt biên vào một đất nước châu Âu” bản thân nó cũng là hành động bất hợp pháp và do đó có thể định tội.
Hướng giải quyết của các nước châu Âu và Thụy Điển nói riêng sẽ nhận được sự cảm thông, nếu biết rằng một báo cáo mới đây của trang thông tin về Liên minh châu Âu (EU) là EU Observer ngày 18/11 nói rằng hơn 1.800 trẻ em di cư đã mất tích ở Thụy Điển.
Bản báo cáo dài 84 trang nêu trên được hội đồng quận của Stockholm công bố ngày 17/11 nói rằng 1.829 trẻ em đã mất tích sau khi được các gia đình nhận nuôi. Số lượng này chiếm 4% trong tổng cộng 45.651 trẻ em cơ nhỡ và người trẻ tuổi đến Thụy Điển từ năm 2013 tới thời điểm tháng 5-2016.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này được cho thuộc về vấn đề phân bổ nơi sinh sống cho người di cư. Một số đứa trẻ tìm đường trốn thoát vì không được ở gần gia đình hoặc bạn bè khi cập bến Thụy Điển.
Mạnh tay với người nhập cư Đầu năm 2016, Thụy Điển thông qua đề xuất của Đảng Dân chủ xã hội về việc giảm số người nhập cư, trong bối cảnh quốc gia 9,5 triệu dân này đã phải nhận đến 160.000 người trong năm 2015. Thái độ cương quyết của Thụy Điển cũng tương tự cách xử lý của chính quyền các nước châu Âu nói chung, vốn gần như không thể tiếp tục chịu đựng gánh nặng người tị nạn. Gánh nặng này cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới quyết định chia tay EU của Vương quốc Anh hồi tháng 6. |
Theo Tuoitre