Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Đoàn Văn Dưng chia sẻ: Năm 1982, tui xuất ngũ về địa phương, lấy vợ và ra ở riêng. Nhận thấy vùng đất đồi ở quê mình thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn đồi, tui bàn với vợ vay vốn để trồng rừng kết hợp phát triển chăn nuôi và đào ao thả cá (VAC). Quả thực, những ngày mới bắt tay vào làm kinh tế theo mô hình VAC là những ngày đầy gian khó: Con nhỏ, kinh tế khó khăn, thiếu vốn, chưa hiểu biết về khoa học kỹ thuật.

 
Đến nay, vợ chồng ông Dưng đã xây dựng thành công mô hình VAC, với đàn hèo 60 con. Mỗi năm gia đình ông xuất chuồng khoảng từ 14 đến 15 tấn thịt, thu về gần 800 triệu đồng. Riêng khu rừng tràm, keo với diện tích 8 ha, mỗi đợt thu hoạch lãi 100 triệu đồng; ao cá rộng 0,3 ha với nhiều loại cá có giá trị cao như cá trê, rô phi. Tổng thu nhập mỗi năm từ mô hình VAC của gia đình ông lên tới khoảng gần 900 triệu đồng.
 
Từ những quyết tâm đó, đến nay vợ chồng ông Dưng đã là chủ sở hữu của ngôi nhà rộng rãi, khang trang nằm cạnh con đường bê tông sạch đẹp; 5 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định và đạt được thành tích tốt trong học tập. Ông Đoàn Văn Dưng phấn khởi: Sự trưởng thành của các con chính là niềm an ủi động viên lớn nhất để vợ chồng tui tiếp tục vươn lên làm giàu từ kinh tế VAC.
 
Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, ông Đoàn Văn Dưng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hộ dân trong thôn, xã để giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, ông Dưng cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như: ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ người nghèo... Gia đình ông luôn nhiệt tình tham gia vào phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu dân cư, nhất là phong trào làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng cũng như các hoạt động xã hội do tổ chức hội và địa phương phát động. Nhiều năm liên tục, gia đình anh giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Ông Đoàn Văn Dưng thực sự là một trong những “Công dân kiểu mẫu” và là tấm gương điển hình CCB làm kinh tế giỏi.

Bài, ảnh: Anh Phong – Ngọc Anh