Chánh án Nhân dân tỉnh Đào Thị Mai Hường (ngoài cùng, bên phải) trao giải Nhất cho thí sinh Trần Thị Phương Hồng (đứng cạnh)

Xúc động

“...Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc”? Cố nén xúc động, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói: “Có bao giờ…có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá thành ra con khóc ạ”. Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và ôn tồn nói: “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?”... Từng lời, từng lời giản dị, chan chứa tình yêu thương của người Cha già kính yêu đối với chị công nhân ở phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, chồng mất một mình nuôi 3 con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn vào đêm 30 Tết Nhâm Dần (năm 1962), “tái hiện” bằng giọng kể, ánh mắt, nét mặt xúc động của Trần Thị Phương Hồng, thư ký tòa Hình sự TAND tỉnh.

Khoảng cách thời gian 54 năm dường như được kéo lại. Dường như mỗi người lắng nghe câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” đang cảm nhận trong trái tim mình gương mặt thân thương, giọng nói ấm áp và tình yêu thương vô bờ bến của Bác. Đã có nhiều khóe mắt rưng rưng. Hoàng Lê Như Thuần, thư ký TAND huyện Phong Điền kể câu chuyện “Bác Hồ đến thăm trại trẻ mồ côi Kim Đồng”. Lúc Bác căn dặn cán bộ: “Đối với các cháu mồ côi, cái lớn nhất là phải bù đắp tình thương. Các cháu đã không còn bố, mẹ thì các cô chú là bố, là mẹ của các cháu. Các cô, các chú nuôi dạy phải đem cả tấm lòng của người làm cha, làm mẹ mà cư xử, mà săn sóc, dạy bảo các cháu...”, nhiều khán giả cúi xuống thấm nước mắt, xúc động tận đáy lòng. Cứ thế, các thí sinh “dẫn dắt” người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ những câu chuyện về Bác như “Thời gian quý báu lắm”, “Nếp sống giản dị của Bác”, Hồ Chủ tịch y án tử hình Trần Dụ Châu”, “Tấm lòng của Bác”, “Đôi dép cao su”, “Bác có phải là vua đâu”...

Đó là những “cung bậc” yêu thương, kính trọng trọn vẹn đối với vị lãnh tụ vĩ đại đã dành cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân, người Cha già có lối sống giản dị, gần gũi, tiết kiệm, cách làm việc nhanh, gọn, khoa học và mang trong trái tim tình thương yêu con người vô bờ bến... “Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, lối sống của Bác vẫn là kho di sản vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, không bao giờ phai mờ trong ký ức của mỗi người dân Việt. Chính điều này đã tạo nên cảm xúc rất chân thật để tôi và các bạn đồng nghiệp “hóa thân” vào những câu chuyện kể về Người” - Trần Thị Phương Hồng, thí sinh đoạt giải nhất hội thi chia sẻ. “Kể” bằng niềm kính yêu Bác vô hạn là cảm xúc của thí sinh Nguyễn Thị Thúy Hồng (thư ký TAND TP. Huế), Võ Thị Kiều Oanh (cán bộ TAND tỉnh, đoạt giải Nhì), cũng là tình cảm của tất cả các thí sinh tham gia hội thi. 

Hành động thiết thực

Bà Đào Thị Mai Hường, Chánh án TAND tỉnh cho biết: “Các thí sinh đều là những gương mặt trẻ, tích cực tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác và trong phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các đơn vị TAND hai cấp nhiều năm qua. “Lấy nước mắt” của mọi người qua câu chuyện kể về Người, truyền cảm hứng để mỗi người cố gắng trong từng việc nhỏ, chứng tỏ bản thân họ đã “thấm” và học những phẩm chất quý giá, tấm lòng của Bác. Điều đó thật đáng vui mừng và tự hào”. Nhưng, điều khiến Chánh án Đào Thị Mai Hường và lãnh đạo hệ thống TAND tỉnh mừng hơn chính là sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện, vươn lên về mọi mặt của mỗi cán bộ, mà “điểm nhấn” là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” - lời dạy của Bác đối với hệ thống Tòa án Việt Nam. “Thiết thực nhất là những hành động nhỏ. Khi ra khỏi phòng lâu chúng tôi luôn tắt điện. Không lãng phí dù chỉ là một tờ giấy trắng, một cây bút. Thời gian làm việc được sử dụng tối đa. Phương pháp làm việc tổ chức, bố trí ngày càng khoa học, mang lại hiệu quả cao” - chị Trần Thị Thu Hằng, thư ký TAND tỉnh chia sẻ.

Bây giờ, có việc cần phải đến tòa án, người dân thấy thoải mái hơn vì mọi thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn hơn rất nhiều, thái độ phục vụ của cán bộ tận tình, hòa nhã. Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm (trong án hình sự), công bằng, đúng pháp luật (trong các loại án khác) thể hiện trong quá trình tố tụng, từng bản án. Thái độ tận tình phục vụ người dân thể hiện trong mỗi ngày. Nhớ mãi một lần có nam đương sự đã lớn tuổi đến TAND tỉnh, to tiếng nói về việc tranh chấp của mình. Thư ký Nguyễn Đình Tú đang giải thích pháp luật, trình tự thủ tục cho đương sự này thì có một bà lão tai ngễnh ngãng đến “xen ngang”. Bà lão hỏi đây có phải là trụ sở của một công ty TNHH? Tú xin lỗi đương sự rồi vội gõ vào google tìm được địa chỉ công ty đó, ghi vào mảnh giấy, dặn bà lão ra đưa cho người thân đang đứng đợi ở ngoài, chở đến. Khi bà lão rời đi, Tú tiếp tục công việc với đương sự. Thật bất ngờ, mặt đương sự “giãn” ra, sự cau có biến đi đâu mất. Ông cũng không to tiếng nữa mà nhỏ nhẹ nói: “Thì ra, cán bộ tòa án tốt thật...”.

Quỳnh Anh