Giai đoạn bè đảng quyền thần Trương Phúc Loan thao túng cung đình thời Võ vương và Duệ vương, thứ đến là thời kỳ quân đội Lê Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, tiếp theo giai đoạn Tây Sơn truy bức hậu duệ chúa Nguyễn ở Quảng Nam, Qui Nhơn và Gia Định… thì các hoàng tử, hoàng tôn nhà chúa đã tỏ rõ lòng trung nghĩa, hiếu dũng đáng khâm phục. Cách hành xử của Duệ vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh, Quốc thúc Nguyễn Phúc Thăng…trong những ngày đen tối nhất của tộc Nguyễn Phúc (1774-1793), nói lên thành quả giáo dục của các vị thầy của các hoàng tử, hoàng tôn trong cung đình chúa Nguyễn vậy.

Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu

Một trong những vị thầy tận tụy với việc giáo dục các hoàng tử, hoàng tôn ấy là Thị Học Nguyễn Doãn Thống. Thầy là người huyện Hương Trà, thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc của đàng Trong, có văn học và tất nhiên tài đức vẹn toàn. Ban đầu, thầy được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát bổ chức Thị Học để lo giáo dục hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Chương. Chương mất sớm, thầy Nguyễn Doãn Thống vẫn tiếp tục lo việc học của các hoàng tử trong cung. Khi quân đội Lê-Trịnh chiếm Phú Xuân, thầy Nguyễn Doãn Thống ẩn ở Phú Xuân và tìm cách đưa gia đình vào Gia Định. Thầy vượt biển vào Gia Định, yết kiến Duệ Tôn tại Tam Phụ ngay năm Ất Mùi [1775]. Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần liền bổ dụng thầy Nguyễn Doãn Thống lo việc học của hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh.

Thầy giỏi mà trò cũng giỏi, lại thêm Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần rất ưu ái cháu Nguyễn Phúc Ánh, tạo điều kiện để cháu trở thành người hữu dụng. Năm 1777, Duệ Tôn Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn giết, thì năm sau Mậu Tuất [1778] Nguyễn Phúc Ánh vào tuổi 17 đã được tướng sĩ tôn phong Đại nguyên súy Nhiếp chánh vương và vương đã bổ dụng thầy Nguyễn Doãn Thống làm Ký lục Phiên Trấn. Đến năm 1780, học trò của thầy Nguyễn Doãn Thống đã được tướng sĩ tôn phong thành Nguyễn Vương, cầm ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu. Khi Nguyễn Vương qua Vọng Các, thầy Nguyễn Doãn Thống không theo kịp Nguyễn Vương, đành tạm trốn trong dân. Khi Nguyễn Vương tái chiếm Gia Định, tháng 8 năm Mậu Thân [1788], thầy được phục chức Ký lục Phiên Trấn. Thầy rất chăm lo giáo dục, học trò rất yêu mến. Việc học việc thi được quan Ký lục tổ chức chu toàn, đã tuyển dụng nhiều người tài để phò Nguyễn Vương trong công cuộc nhất thống thiên hạ. Thầy Nguyễn Doãn Thống qua đời năm Tân Hợi [1791] ở Gia Định, Nguyễn Vương thương tiếc, truy phong Lại Bộ.

Các hoàng tử, hoàng tôn của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã được các vị thầy như Nguyễn Doãn Thống, Lê Cao Kỷ,… giáo dưỡng rất tốt, khi thời thế xoay chuyển, gia đình nhà chúa hầu như đã “tan gia bại sản” nhưng nhờ biết yêu thương đùm bọc lấy nhau, thu phục được nhân tâm, nhiều người dỏi theo về và kết quả họ Nguyễn Phúc đã làm nên nghiệp đế vậy. Đất nước nào muốn phát triển bền vững thì phải chăm lo giáo dục, phải làm sao “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò” thì chắc chắn đất nước ấy sẽ “vững âu vàng” mà thôi.

Lãng Điền