Bờ hồ Tịnh Tâm bị lấn chiếm, cơi nới làm nơi sửa xe, chất củi

Nguy cơ mất hồ

Phường Tây Lộc có 11 hồ lớn và nhiều hồ nhỏ, hầu hết đều bị lấn chiếm. Hồ bị lấn chiếm nhiều nhất nằm phía sau đường Tôn Thất Thiệp và Trần Khánh Dư. Tiếp đến là các hồ ở đường La Sơn Phu Tử và các hồ nhỏ nằm rải rác.

Ông Lê Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Lộc lo lắng, nếu không sớm cắm mốc, không lâu nữa, người dân lấp hết hồ. ông Phương thông tin, hộ lấn ít vài chục mét vuông, hộ nhiều cả trăm mét vuông, mỗi ngày lấn ra một ít, có hộ đổ đất vào ban đêm nên chính quyền địa phương rất khó quản lý.

hồ Tịnh Tâm dù nằm lộ thiên và được sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, song việc lấn chiếm vẫn xảy ra. Đường dẫn vào hồ khu vực có người dân ở còn xảy ra tình trạng cơi nới, sử dụng một phần để làm nơi sửa xe. Phía Trường đại học Nghệ thuật, người dân dựng ra phía hồ thêm các chòi để củi. Quán cà phê gần đó lát nền làm nơi để xe. Quán nhậu cũng cơi nới ra phía bờ hồ để hóng gió và kèm theo là nơi... xả rác.

Khu vực hồ trước mặt UBND phường Thuận Hòa hiện đang cho thuê kinh doanh dịch vụ nhà hàng. Tuy nhiên, nhà hàng này khá nhếch nhác, xuống cấp, không trình không đảm bảo khai thác sử dụng. UBND TP. Huế đã yêu cầu phường Thuận Hòa có phương án chỉnh trang phù hợp để đảm bảo cảnh quan môi trường; nếu không sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh và tổ chức kêu gọi đầu tư.

Cùng với việc bị lấn chiếm, hệ thống hồ trong Kinh thành Huế bị ô nhiễm trầm trọng. khi tiếp cận với một số hồ gần Hộ thành hào, chúng tôi chứng kiến việc người dân xả thải, nước sinh hoạt ra hồ. không có hồ nào là không bốc mùi xú uế, nước đặc quánh, đen ngòm, ruồi nhặng bu bám… do bị lấn chiếm nên diện tích hồ thu hẹp, lòng hồ bị bồi lấp, dẫn đến tình trạng hồ chết, chức năng điều hòa, điều tiết hệ thống thủy đạo trong Kinh thành Huế gần như không còn. Đây cũng là nguyên nhân khiến các phường nội thành thường xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài và khi ngập nước lâu thoát.

Dự kiến sẽ cắm mốc 24 hồ

Mới đây, UBND TP. Huế đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tăng cường công tác quản lý các hồ trong Kinh thành Huế. UBND TP. Huế nhận định, việc quản lý các hồ hiện nay khá phức tạp do có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bên liên quan. trước mắt, TP. Huế chỉ đạo các ban, ngành, địa phương trực thuộc tiến hành cắm mốc các hồ trong khu vực 4 phường nội thành, gồm: Thuận Hòa, Tây Lộc, Thuận Lộc và Thuận Thành, sau đó, sẽ tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng nhằm phục vụ công tác quản lý.

Ông Hoàng Thiện, Trưởng ban Đầu tư và Xây dựng TP. Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ cắm mốc các hồ cho biết, hiện đã hoàn tất các bước cần thiết để tiến hành cắm mốc. Dự kiến sẽ cắm mốc 24 hồ trong tổng số hơn 40 hồ, do có những hồ trước đó đã cắm mốc hoặc có sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về mặt di tích. Tuy nhiên, việc này mất khá nhiều thời gian và cần sự vào cuộc, hợp tác của chính quyền địa phương, người dân.

Điều chính quyền các địa phương lo lắng là nếu cắm mốc hiện trạng chắc chắn chỉ hạn chế được việc lấn chiếm tiếp theo. Song, nếu cắm mốc theo bản đồ rất khó thực hiện. Bởi đa số nhà dân lấn chiếm đều cơi nới, xây thêm. Nếu cắm đúng với bản đồ, hẳn là có nhà sẽ bị cắm ngay giữa phòng khách, thậm chí là phòng thờ. quan điểm của UBND TP. Huế, việc cắm mốc sẽ dựa vào bản đồ địa chính và bản đồ GISHue để triển khai cắm mốc phù hợp. Song, việc cắm mốc không có nghĩa là thừa nhận ranh giới đất hiện trạng.

UBND TP. Huế cũng thống nhất chủ trương lập dự án chỉnh trang, nạo vét, kè, tu bổ các hồ trong Kinh thành Huế, trừ các hồ thuộc dự án đô thị xanh. Cùng với đó, UBND TP. Huế sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý cụ thể đối với từng hồ. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cho người dân khai thác sử dụng hợp lý bằng việc khuyến khích trồng sen, nuôi cá nhưng vẫn đảm bảo thoát nước…

Bài, ảnh: Tâm Huệ