Huy động lực lượng xử lý bèo

Từ thị trấn Sịa đi Quảng Thái (Quảng Điền) qua đập Cửa Lác, chúng tôi cảm giác ngột ngạt với từng đám bèo tây lớn dọc phá.

Bác Văn Tiến Lĩnh, xóm 8, thôn Lai Hà (xã Quảng Thái), trầm ngâm: “Khu vực này trước đây, tôm, cá phong phú lắm. Đi dủi, nò, lừ… mỗi ngày “dắt lưng” ít lắm cũng được 200 đến 400 ngàn đồng. Giờ thì khó rồi, đẩy thuyền hay lội bộ ra thôi cũng là vấn đề lớn, chớ đừng nghĩ chi tới chuyện đánh bắt”.

Xuôi thuyền trên phá Tam Giang, từng đám bèo lớn nổi trôi dài hàng cây số, phủ kín mặt phá. Ông Phạm Công Hùng, Trưởng thôn Lai Hà chia sẻ, mọi năm, việc vận chuyển hàng hóa, đánh bắt trong vùng khá dễ dàng. Gần 2 năm nay, do bèo phủ đặc đầm phá, nhất là từ đoạn đập Cửa Lác đến đầu thôn Trung Làng nên giao thông, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hầu như ngưng trệ. Trước nay thôn có 300 lồng cá cho thu nhập trung bình 5 tỷ đồng mỗi năm thì giờ nguồn thu từ nuôi cá lồng không còn.

Theo những hộ dân sinh sống gần khu vực này, lượng bèo dày đặc đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của người dân. Nhiều hộ nuôi cá lồng chắn sáo trên phá Tam Giang phải tiến hành vệ sinh, trục vớt bèo hàng ngày nhưng tình hình không mấy cải thiện.

Gia đình ông Nguyễn Dai, xóm 1 thôn Lai Hà từng là hộ khá giả nhờ nuôi cá lồng trên phá. Ông Nguyễn Dai cho hay, mỗi năm, gia đình kiếm được gần 60 triệu đồng từ nghề nuôi cá lồng. Hai năm nay, không có lụt nên bèo tây sinh sôi phủ kín cả mặt phá. Lồng cá của gia đình ông bị bèo phủ kín, nhiều lần ông dời lồng cá, nhưng được một thời gian, bèo tây lại chiếm chỗ, bất lực, ông đành bỏ nghề.

Bỏ nghề nuôi cá lồng trên phá, nhiều hộ dân rơi vào cảnh khó khăn khi kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều vào nghề này. Theo số liệu thống kê, trước đây, toàn xã Quảng Thái có gần 600 hộ phát triển cá lồng trên phá, chủ yếu tập trung ở 2 thôn Cư Lạc, Trung Làng. Tuy nhiên, thời gian gần đây bèo tây phát triển mạnh, 300 lồng cá tại Cư Lạc hầu như không thả nuôi, chỉ còn phát triển ở thôn Trung Làng.

Ở một số địa phương, bèo tây được sử dụng làm thức ăn xanh chủ lực trong chăn nuôi lợn, bổ sung cho trâu bò, dê và gia cầm... Cho cá trắm ăn bèo tây cũng được xem là giải pháp góp phần giảm thiểu bèo, tiết kiệm công, chi phí thức ăn cho cá.

Ông Hoàng Tuấn Nam, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái trăn trở: Hai năm gần đây, việc nuôi cá lồng cũng như hoạt động đánh bắt của cư dân địa phương gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính là do bèo tây. Địa phương nhiều lần phối hợp với các thôn, đoàn thể ra quân xử lý. Mới đây, nhận thông báo xả lũ, xã đã vận động người dân các thôn tiến hành ra quân trục vớt và đẩy một phần bèo tây ra khỏi địa phương. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, không có kinh phí, trong khi số lượng bèo lại quá lớn nên rất khó kiểm soát. Các mô hình xử lý đã được ứng dụng nhưng hiệu quả không cao.

Trong khi phá Tam Giang qua xã Quảng Thái ngập bèo thì ở một số địa phương, tình trạng bèo xâm lấn đang có xu hướng giảm, nhất là ở khu vực các sông. Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đầu tháng 11, việc điều tiết nước của các hồ chứa đã góp phần đẩy một lượng lớn bèo từ các sông ra biển. Riêng tại vùng Quảng Thái, Quảng Lợi, huyện Quảng Điền do nằm trong vùng khuất gió, lượng nước lưu thông không lớn nên bèo tây vẫn còn đọng khá nhiều.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Đức, thời gian qua toàn tỉnh đã phát động các đợt ra quân nhằm trục vớt bèo tây, góp phần giảm một lượng lớn hình thành và phát triển dọc các tuyến sông. Tỉnh cũng chỉ đạo các huyện chủ động trích nguồn kinh phí từ hoạt động tài nguyên môi trường, chống hạn mặn (khơi thông dòng chảy) phân bổ về cho các xã, từ đó các xã có nhiệm vụ phân công từng thôn, HTX phụ trách từng đoạn sông, phá ra quân thường xuyên nhằm tận diệt bèo tây.

Bài, ảnh:HOÀNG LOAN