Lễ tưởng niệm tại Đài chiến sĩ trận vong
Trong xu hướng Âu hóa đó, Đài chiến sĩ trận vong (Monument aux Morts) là một công trình lịch sử mới mẻ trong tâm thức Huế, tiêu biểu cho lý thuyết tượng đài theo văn minh Tây phương (Les lieux de Mémoire). Từ đây, trên phông nền chung của văn hóa Việt vốn chú trọng nghi lễ, đã xuất hiện những “tượng đài” vật chất chứa đựng nhiều ý nghĩa biểu tượng. Công trình nhằm tưởng niệm 31 người Pháp từng sống ở Huế - miền Trung năm 1914 và 78 người Việt miền Trung đã vong thân trong Thế chiến I.
Chủ tịch Hội Đô thành hiếu cổ Orband có ý tưởng xây dựng công trình để nhấn mạnh sự biết ơn với người đã khuất. Ông thường nêu trong các cuộc họp hàng tháng từ những năm 1914-1918, được các đại thần hỗ trợ, nhất là ông Nguyễn Đình Hòe. Tất cả, đã được khởi sự thành dự án xây dựng một Đài chiến sĩ trận vong. Khâm sứ Trung kỳ Tissot ban hành Nghị định ngày 24/7/1919, thành lập Ủy ban nghiên cứu xây dựng một công trình tưởng niệm những người tử trận, do Khâm sứ hay người đại diện làm trưởng ban, nhà thầu khoán Bogaert làm phó trưởng ban cùng 11 thành viên đại diện các ngành (Công báo Trung kỳ, năm 1919, tr 687-688).
Về hình thức thể hiện, ông Nguyễn Đình Hòe đề nghị là một dạng bình phong Huế truyền thống. Sau đó, người ta đề nghị tổ chức một cuộc thi thiết kế mẫu rộng khắp và có 4 hồ sơ tham dự được mang ra chấm chung cuộc. Giáo sư Tôn Thất Sa ở Trường Bá Công Huế đạt giải I, giải thưởng 80 đồng bạc Đông Dương (ông cũng là tác giả đồ án đạt giải 3). Công trình được khánh thành ngày 23/9/1920.
Huế đầu thế kỷ XX lưu dấu nhiều sự kiện, công trình lịch sử văn hóa Việt - Pháp nổi bật tinh thần hòa hợp, thái độ tôn trọng và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa. Chính điều đó đã góp phần quan trọng trong việc giảm sốc và dung hòa dần, thu hẹp khoảng cách của cuộc đụng độ văn minh Đông - Tây. Truyền thống dung hợp, yếu tố mở và đậm chất nhân văn của văn hóa Việt lại tiếp tục phát huy trong giai đoạn lịch sử quan trọng này. Vì vậy, Đài Chiến sĩ trận vong trong Thế chiến I chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng của Huế trong bối cảnh tiếp xúc giao lưu Việt - Pháp.
TRẦN ĐÌNH HẰNG