Ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2017. Ảnh: Washingtonpost

 

Ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng vào cuối tháng 1/2017. Trước bối cảnh đó, nhiều quốc gia, từ những đồng minh thân cận cho tới bất đồng với Washington, đều không khỏi dè dặt về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống đầu tiên không có kinh nghiệm về chính trường và quân sự này.

Nga

Trong khi mối quan hệ Nga - Mỹ hiện khá bế tắc, thậm chí có lúc căng thằng, thì từ ngay từ quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã theo đuổi việc khôi phục lại tình hữu nghị giữa Moscow - Washington và phát triển mối quan hệ hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Sau khi đắc cử, tân Tổng thống Trump tái khẳng định mong muốn có một “mối quan hệ tốt đẹp” với Moscow. Đáp lại, trong cuộc điện đàm chúc mừng chiến thắng của ông Trump hôm 9/11, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, Moscow đã sẵn sàng để xây dựng quan hệ đối tác và đối thoại với chính quyền tân Tổng thống Mỹ, dựa trên các nguyên tắc về quyền bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và không can thiệp vào các vấn đề quốc tế của nhau.

Một bài viết trên tờ Politico tuần trước còn nhận định rằng, việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có khả năng dẫn đến việc các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ được dỡ bỏ, thậm chí ngay cả trước lễ nhậm chức chính thức.

Thăm dò dư luận mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu quan điểm của người dân Nga VTSIOM thực hiện giữa tháng 11 cũng cho kết quả khá lạc quan khi 46% người được khảo sát bày tỏ hy vọng mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, tăng mạnh so với con số 29% trước đó.

Trung Quốc

Theo Sputnik ngày 22/11, những liên hệ đầu tiên giữa ông Trump và chính phủ Trung Quốc cho thấy, có thể trông đợi vào sự tan băng giữa Washington và Bắc Kinh, khi Tổng thống đắc cử Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chia sẻ mối quan tâm chung trong việc phát triển mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, vẫn có nhận định rằng, Washington có thể sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và quân sự. Theo Giám đốc Viện quan hệ quốc tế tại đại học Tsinghua (Trung Quốc) - ông Yan Xuetong, Mỹ có thể sẽ tạo áp lực đối với nước này trong các vấn đề nhân quyền, trong mặt trận kinh tế và các vấn đề liên quan tới quân sự. Mỹ có thể sẽ không thực hiện chính sách tái cân bằng tại châu Á như thời Tổng thống Barack Obama, nhưng vẫn duy trì sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Á và các đồng minh trong khu vực này, The Nikkei Asian Review ngày 22/11.

Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lẽ phải đối mặt với một khoảng thời gian khó khăn phía trước, khi Mỹ yêu cầu Nhật phải chi trả nhiều hơn cho những hỗ trợ về quân sự của Washington. Mặc dù vậy, điều đó vẫn không thay đổi bản chất của liên minh này bởi rõ ràng, ông Trump sẽ không từ bỏ những lợi ích khi là đồng minh thân cận của Nhật Bản.

Iran

Đối với Iran, nhà lãnh đạo mới của Mỹ cho biết sẽ cơ cấu lại thỏa thuận cuối cùng trong hiệp định đã ký kết với Iran dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Trong một cuộc phỏng vấn với RT, ông James Woolsey - cố vấn cấp cao chính sách an ninh quốc gia của tân Tổng thống Trump nói rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ có cách tiếp cận cứng rắn đối với Tehran hơn là trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.

Cuba

Một trong những lời hứa của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử là sẽ hủy bỏ quan hệ ngoại giao mới phục hồi với Cuba. Mặc dù Chủ tịch Cuba Raul Castro gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Trump, nhưng sau ngày kết quả cuộc bầu cử Mỹ được tiết lộ, Chính phủ Cuba cũng công bố sẽ thực hiện 5 ngày tập trận quân sự trên toàn quốc.

Mexico

Thực tế, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được Mexico đặc biệt quan tâm vì trong chiến dịch của mình, ông Trump đã nhiều lần có phát biểu gây tranh cãi về người di cư bất hợp pháp từ Mexico sang Mỹ.

Sau khi đắc cử, Tổng thống Trump một lần nữa xác nhận kế hoạch xây dựng một bức tường tại biên giới Mỹ - Mexico để kiềm chế dòng người di cư. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mexico cũng gián tiếp bị ảnh hưởng bởi chiến thắng của ông Trump khi tỷ giá đồng nội tệ nước này giảm mạnh. Trong những giờ đầu tiên sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, đồng peso của Mexico đã mất giá hơn 10% so với đồng USD.

ASEAN

Theo nhận định của giáo sư Kavi Chongkittavorn, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế, đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đăng tải trên tờ The Nation ngày 21/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ không thể hời hợt trong quan hệ với ASEAN, mặc dù nhiều nhà hoạch định chính sách tỏ thái độ lo lắng về những chính sách sắp tới của Mỹ đối với khối này.

Theo giáo sư Chongkittavorn, quan hệ của ASEAN với Mỹ là mối quan hệ đối tác hiếm thấy trên thế giới. Do đó, ông Trump sẽ được đánh giá là khôn ngoan nếu tiếp tục mối quan hệ hiện tại với ASEAN và duy trì chính sách tái cân bằng với châu Á. Một ASEAN ổn định và thịnh vượng có thể trở thành một đối tác chiến lược với Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh mạng, an ninh hàng hải và y tế toàn cầu, The Nation khẳng định.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Sputnik, The Nation &NBC News)