Đó là lý do mà các nhà sản xuất trong nước đang lo ngại hàng hóa Việt Nam khó lên kệ bán lẻ khi mà các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thâu tóm các chuỗi siêu thị lớn nhất tại Việt Nam. Điều lo lắng đó có cơ sở khi mà chất lượng các loại mặt hàng của chúng ta chưa tương xứng với đòi hỏi của nhà bán lẻ, các siêu thị và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Hiện, hàng hóa của chúng ta đã chú ý nhiều về chất lượng, cải tiến mẫu mã và tiếp thị quảng bá, thế nhưng chưa đồng đều, chưa theo kịp quy chuẩn quốc gia và quốc tế. Một số mặt hàng khi mới ra đời chất lượng khá tốt, nhưng về sau càng kém dần, dẫn đến bị người tiêu dùng quay lưng. Đem câu chuyện chất lượng hàng hóa trao đổi với người bạn đã từng đi làm quản lý một dây chuyền sản xuất quạt điện ở Thái Lan mới thấy, ở bộ phận sản xuất mô tơ quạt, người ta KCS (kiểm tra chất lượng) từng cái khi xuất xưởng trên hệ thống máy tính và bằng mắt thường. Khi đó, dù chỉ sai lệch ở khâu quấn dây điện với tỉ lệ % rất nhỏ, có thể nói không đáng kể nhưng người ta vẫn loại ra để làm lại. Chẳng thế mà một số nhà máy sản xuất đồ điện nước ngoài cùng hãng, cùng công nghệ như Việt Nam nhưng chất lượng tốt hơn hẳn.

Một điều cũng dễ thấy để so sánh, các nhà máy trong nước do người Việt quản lý với một dây chuyền cùng công nghệ như ở nước ngoài thì chất lượng lại kém hơn. Tháng trước, đi mua một bếp ga thì loại bếp nhãn hiệu Rinnai  (Made in Vietnam) có giá 2.100.000đ, trong khi bếp cũng hiệu này nhập từ Malaysia giá 2.900.000đ (mặc dù các thông số kỹ thuật đều giống nhau). Khi hỏi, cô bán hàng chỉ ra sự khác biệt mà xem qua khó ai phân biệt được. Chẳng hạn cục phân bổ khí bắt lửa sản xuất trong nước làm bằng thép tái chế, giá thành rẻ, còn sản xuất nước ngoái làm bằng thép chất lượng cao. Đồng nghĩa với nó là lửa phát ra xanh hơn, tốn ít ga, lâu mòn hơn. Thêm 1 số bộ phận như ống dẫn ga, dây điện, men tráng… cũng chất lượng hơn. Và cô bán hàng kết luận: “Hàng nhập (hàng xách tay, nhập khẩu) bao giờ cũng tốt hơn hàng công ty (hàng do công ty trong nước sản xuất).

Tương tự, khi so sánh ô tô lắp ráp trong nước với ô tô nhập nguyên chiếc từ nước ngoài thì chất lượng cũng chênh lệch nhau đáng kể. Mặc dù cùng hãng, cùng chủng loại nhưng khi sử dụng mới thấy được loại nào chất lượng hơn, từ máy móc và các phụ tùng chính cho đến các loại phụ tùng “râu ria”. Mà điều này lại xuất phát từ quy chuẩn bắt buộc tỉ lệ % nội địa hóa.

Các loại hàng hóa gia dụng cũng không nằm ngoài đánh giá tương tự. Những rổ, rá, soong, nồi, bát, đũa… mặc dù của ta hiện nay có cải tiến mẫu mã, bao bì, chất lượng nhưng so ra vẫn không bền chắc. Đó là mới so sánh với hàng hóa của Thái Lan, Malaysia…. chứ chưa nói là so với hàng của Nhật, Mỹ và các nước khác. Ngay một số loại đồ dùng của Nga, Đông Âu (như chậu giặt bằng nhôm) cách đây hàng chục năm đến nay vẫn còn sử dụng tốt và không biết dùng đến khi nào mới hỏng.

Tâm lý chung của người tiêu dùng là muốn mua sắm các loại hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tiện lợi, giá thành rẻ, trong đó, bền, đẹp là hàng đầu. Chúng ta tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, quảng bá… nhưng đó mới chỉ là hình thức và bề nổi. Yếu tố quyết định vẫn là cung cách làm ăn có uy tín của các nhà sản xuất trong nước. Và đó là giải đáp cho câu hỏi hàng sản xuất trong nước có lên được kệ các siêu thị lớn hay không?!

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA