Tính thẩm mỹ về hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường Lê Lợi vẫn đang còn bàn cãi. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Chuyện của Hải Phòng, và có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu nguyên do đầu đuôi ngọn ngành. Kể ra, nếu hệ thống này đã xuống cấp, nếu duy trì biết đâu lại gây ra những sự cố không hay khác cho người tham gia giao thông, cho người dân sống ở các điểm kế cận thì hệ lụy có khi còn không tính được bằng tiền. Tuy nhiên, vấn đề mà suốt mấy ngày nay, dư luận bàn tán nhiều về vấn đề này là vì, nó là công trình có giá trị hơn 24 tỷ đồng. Có cần thiết dùng một hệ thống trang trí có tuổi thọ ngắn ngủi như thế không trong khi bao nhiêu công trình dân sinh, trường học, nhà văn hóa cộng đồng… không có nguồn để đầu tư? Tất nhiên cũng không thể lấy công trình này để nói về sự cần thiết hơn của công trình kia vì phạm trù phục vụ của nó hoàn toàn khác nhau, song với một khoản đầu tư không hề nhỏ cho một thời gian sử dụng ngắn hạn đến như vậy, quả là có điều gì đó phù phiếm quá!

Sẽ không ai đề cập hay nghĩ về sự phù phiếm này nếu giá trị sử dụng lâu hơn, bền hơn trong mục đích phục vụ (chiếu sáng, làm đẹp đô thị, quảng bá hình ảnh…). Giá mà có một phương thức tiếp cận tốt hơn, và một tinh thần thực sự vì cộng đồng thì ngay cả khi có trong tay một nguồn kinh phí dồi dào đến mức không cần suy nghĩ, cho dù đó là nguồn tiền được doanh nghiệp đóng góp theo tinh thần xã hội hóa, người ta sẽ tính đến công năng và hiệu quả. Chí ít thì cũng và phải kéo dài thêm thời gian phục vụ.

Đã có quan điểm cho rằng, công năng là một chuyện nhưng trang trí lại là một chuyện khác. Đúng là cái đẹp và sự phù phiếm hoàn toàn khác nhau ở góc nhìn, quan niệm thẩm mỹ và tất nhiên, cả ở công năng sử dụng và trách nhiệm, ý thức công dân của những người thực hiện nó trong điều kiện cụ thể.

Nhân chuyện chiếu sáng thẩm mỹ này, cũng đã có những ý kiến trao đổi ở các diễn đàn về hệ thống đèn chiếu sáng trên tuyến đường Lê Lợi – con đường được cho là đẹp nhất của TP Huế. Đa phần ý kiến tại các diễn đàn này cho rằng, việc trang trí này khá rườm rà, không hề đẹp mắt và không tôn được cái đẹp và chiều sâu của đêm Huế, thậm chí nó còn chi phối cả người đi đường trong quá trình tham gia giao thông…

Có lẽ vẫn có điều gì đó cần được tranh luận, phản biện nhiều hơn để có tiếng nói đồng thuận ở hệ thống đèn trang trí trên tuyến đường này, nhất là khi nó chưa đạt đến khung của việc “bảo đảm sự phù hợp đa dạng, độc đáo và tính thẩm mỹ cao của các khu vực được tổ chức chiếu sáng” (điểm 2a, điều 17 của Nghị định về quản lý, chiếu sáng đô thị).

Có lẽ, ngay với thành phố được mệnh danh là vẻ đẹp chẳng nơi nào có được, Huế cần một cách chiếu sáng và trang trí đường phố khác biệt hơn, sang trọng hơn qua việc chọn phương thức thể hiện chọn lọc, chứ không thể là những phiên bản có thể nhận thấy ở bất cứ một nơi nào. Ngay cả doanh nghiệp nữa, chắc cũng sẽ cảm thấy nguồn hỗ trợ của mình có ích hơn khi được người dân đánh giá tốt.

Chính vì những điều này mà tôi lại nghĩ đến góc nhìn về sự phù phiếm trong cái đẹp.

NGUYỄN HÀ CHI