Theo thông tin ban đầu, xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, con trai lớn chửi bới, hành hung bố vì cho rằng bố mình thường xuyên đánh mẹ; em trai bênh bố đâm chết anh ruột.

Bạo lực gia đình đã và đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu, gây ra nhiều hậu quả cho con người. Đó là hình ảnh đáng xấu hổ, làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, không chỉ gây tan vỡ từng gia đình mà còn ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Theo Luật  Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007, hành vi bạo lực gia đình được xác định là hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Như vậy đối tượng, nạn nhân và hành vi bạo lực gia đình rất đa dạng. Đó là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, của người lớn với trẻ em (cha mẹ bạo lực con cái, ông bà bạo lực cháu, anh chị bạo lực với nhau), bạo lực giữa các thành viên lớn tuổi (anh chị em, mẹ chồng nàng dâu, em chồng chị dâu...) hay bạo lực ngược (con cái bạo lực cha mẹ, cháu ngược đãi ông bà).

Nghiên cứu năm 2012 của Liên hợp Quốc tại Việt Nam chỉ ra rằng, bạo lực gia đình gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ước tính chi phí của bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam: chi phí thực trả và thu nhập bị mất lên tới gần 1,41% GDP (khoảng 2,5 triệu tỉ đồng) năm 2010. Ngoài ra, nghiên cứu cũng nêu rõ những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực có thu nhập ít hơn 35% so với những người không bị bạo lực, điều đó tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế quốc dân. Tổng mức năng suất lao động bị mất theo ước tính là 1,78% GDP.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do ảnh hưởng của chế độ Nho giáo, việc chồng bạo hành vợ, cha mẹ bạo hành con thường được cho qua hoặc không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên vẫn âm ỉ xuất hiện ở các gia đình. Chúng tôi từng tiếp nhận đơn kêu cứu của một phụ nữ bị chồng thường xuyên bạo hành. Khi phóng viên vào cuộc điều tra và gần đi đến hồi kết thúc, chị lại xin rút đơn do áp lực áp gia đình, sự hứa hẹn của người chồng và hơn hết chị không muốn con rơi vào cảnh có mẹ lại thiếu cha… Chính tâm lý là mảnh đất đất màu mỡ cho bạo lực gia đình tồn tại nhức nhối và chỉ khi có vụ việc thương tâm mới được cơ quan chức năng vào cuộc, điển hình là vụ bạo hành gia đình xảy ra ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) năm 2014, người chồng dã man đánh gãy tứ chi của vợ

Loại bỏ bạo lực gia đình ra khỏi đời sống, nhất là bạo hành với phụ nữ và trẻ em không chỉ ngăn chặn từ gốc những nỗi đau về thể xác, tinh thần, là tiền đề xây dựng tổ ấm gia đình mà còn là mục tiêu cấp bách, quan trọng của mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Hoàng Giang