Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết. Hiệp định này quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với BĐKH. Văn kiện này có hiệu lực trong bối cảnh khí phát thải nhà kính được dự báo sẽ tăng lên từ 12 tỷ tấn đến 14 tỷ tấn vào năm 2030.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai Hiệp định Paris về chống BĐKH, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động nhằm thực hiện các đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH đến năm 2030. Trong đó, bao gồm việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% so với kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực trong nước và sẽ tăng lên 25% nếu có sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế. Nhiều năm qua, Việt Nam phối hợp phát triển, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH và Tăng trưởng xanh, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH.

Tại phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP22) diễn ra tại Marrakech, Ma-rốc ngày 17/11/2016, Trưởng đoàn cấp cao của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân có bài phát biểu quan trọng. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, tất cả các bên tham gia Thỏa thuận Paris đều phải nỗ lực triển khai các cam kết nêu trong thỏa thuận này. Việt Nam có 3 đề xuất. Thứ nhất, các hành động cụ thể tăng cường thực hiện các cam kết sau năm 2020 cần phải tiếp tục được các bên làm rõ trong bối cảnh thỏa thuận Paris để thúc đẩy việc triển khai công ước. Các nội dung của thỏa thuận, bao gồm giảm nhẹ, thích ứng, xây dựng và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực phải được xem xét đầy đủ, cân bằng. Thứ hai, tính chất tự quyết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cần được tôn trọng bằng cách cung cấp các hướng dẫn và phương tiện thực hiện thể hiện rõ nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và phụ thuộc vào hoàn cảnh và năng lực cụ thể của các quốc gia đang phát triển. Thứ ba, cần cân bằng giữa nỗ lực giảm nhẹ trước và sau 2020 để đảm bảo không có khoảng trống trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với BĐKH.

HOÀI NGUYÊN (tổng hợp từ Bộ TN&MT)