Hãy tạo cho trẻ nhiều sân chơi bổ ích 

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc trừng phạt bằng bạo lực. Các ông bố, bà mẹ trút hết bực bội vào con vì trẻ không nghe lời, bố mẹ chịu áp lực công việc, việc làm bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn về kinh tế mà không hiểu rằng, ranh giới giữa việc “dạy bảo” với “ngược đãi” và “bạo lực gia đình” là rất mong manh.

Chưa có một thống kê cụ thể về tình trạng trẻ bị bố mẹ đánh mắng, song con số ấy ngày càng nhiều khi trẻ dậy thì sớm, môi trường bên ngoài tác động khiến việc quản lý con khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Hồng, một phụ huynh ở phường Trường An (TP. Huế) kể: “Tôi đánh con vì phát hiện bị mất 50.000 đồng trong ví. Tra hỏi thế nào thằng bé cũng không nhận. Bị đánh đau nhưng thằng bé không hề khóc hay van xin như lần trước, nó lầm lì mở to mắt nhìn mẹ, để mặc mẹ muốn đánh bao nhiêu thì đánh. Phản ứng của con khiến tôi lo lắng, không biết mình có đánh oan con không”.

Từng chứng kiến rất nhiều trường hợp con cái bị ảnh hưởng từ hành động đánh đập thô bạo, lạm dụng đòn roi của bố mẹ, ở mức độ nhẹ thì sau vài lần bị đánh chúng sẽ ức chế tâm lý, sống khép mình, sợ hãi, xa lánh bố mẹ, nói dối quanh co… Các em có biểu hiện mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân. Chúng trở nên lỳ đòn, thậm chí là càng ngày chúng càng bướng bỉnh và ngỗ ngược hơn, thậm chí chống đối trước sự dạy bảo của cha mẹ. Có những đứa trẻ vì bị đánh quá nhiều nên khi phạm lỗi đã sợ hãi mà bỏ nhà đi, để tránh những trận đòn roi của cha mẹ. Nguy hiểm hơn, đến một lúc nào đó, trẻ sẽ trở nên chai lì với suy nghĩ, làm sai thì cùng lắm lĩnh một trận đòn là xong. Lúc này cha mẹ sẽ khó mà uốn nắn đuợc trẻ.

Dùng roi vọt là cách đối xử không công bằng của người lớn đối với trẻ nhỏ. Nó thể hiện sự lạm dụng quyền uy, sự bất lực của người lớn trong giáo dục con cái. Trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược và thiếu vâng lời. Trong khi những đứa trẻ được yêu thương và dạy bảo với thái độ nghiêm khắc, đúng chỗ lại ngoan hơn nhiều. Có rất nhiều người dạy con mà chưa một lần phải sử dụng đến đòn roi, nhưng con cái vẫn thấy sợ mỗi lần mắc lỗi. Chị Trần Ngọc Lan, phụ huynh có con đang học phổ thông cơ sở bộc bạch: “Tôi từng trải qua tất cả những cảm giác bực bội, giận dữ do sự cứng đầu, khó dạy của các con mình. Tôi hiểu, đòn roi không những chẳng giải quyết được vấn đề gì trong việc dạy dỗ con cái mà nó còn khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự thờ ơ của cộng đồng và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương dẫn đến thực trạng trẻ bị bạo hành vẫn tiếp diễn. Có những vụ bạo hành trẻ xảy ra một thời gian dài mà lãnh đạo và chính quyền địa phương không biết. Ngoài ra, sự vô cảm, ích kỷ, mạnh ai nấy sống, không quan tâm đến nhau là chất xúc tác cho nạn bạo hành bùng phát. Theo bà Võ Kim Khánh, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Bình đẳng giới, khi trẻ bị bạo hành, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cha mẹ. Cha mẹ phải là người gần gũi trẻ, tạo cho trẻ sự tin cậy, an toàn. Về phía người dân, khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, cần báo ngay cho công an và các cơ quan chức năng.

“Đòn đau nhớ đời”, với quan niệm đó, nhiều bậc cha mẹ mỗi khi con mắc lỗi, dù lớn hay nhỏ họ đều dùng roi để răn đe. Tuy nhiên, cha mẹ nên chỉ ra những lỗi lầm của con, như vậy hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn nhiều. Sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ, giúp trẻ nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn thành phương tiện để trút giận lên đầu chúng. Tình thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ sẽ giúp trẻ nên người. 

HUẾ THU