Bờ hồ công viên đường Tôn Đức Thắng thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh cà phê
Sáng chủ nhật, bờ hồ khu vực đường Tôn Đức Thắng dù không còn xôm tụ như trước, song vẫn còn một vài hộ bán cà phê với vài cái ghế nhựa, dụng cụ pha chế... cơ động nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị đẩy đuổi. Đáng chú ý là buổi chiều tối, bờ hồ này trở thành “phố cà phê cóc” với hơn chục hộ kinh doanh và hàng trăm khách, chủ yếu là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Các dịch vụ ăn vặt như cóc, xoài ổi, oishi, bánh bao, kem... cũng ăn theo làm bờ hồ có lúc biến thành bãi rác vào sáng hôm sau. Nhân viên, công nhân Trung tâm Công viên cây xanh Huế khá vất vả trong việc dọn dẹp vệ sinh, trả lại không gian sạch sẽ cho bờ hồ. việc lấn chiếm bờ hồ làm nơi bán cà phê còn gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng an toàn giao thông, khi đa số vỉa hè và cả khu vực bên trong các đường đi bộ đều bị lấn chiếm làm nơi giữ xe. Nhiều trường hợp tranh giành khách, ẩu đả cũng đã xảy ra ở khu vực này. Chính quyền địa phương và công an khu vực khá vất vả trong việc giải quyết các vụ việc vừa nêu.
Không chỉ bờ hồ công viên Tôn Đức Thắng, bờ hồ đường Lê Hồng Phong và nhất là một số công viên trên địa bàn như 3/2, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi... cũng thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh. Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý song rất khó giải quyết dứt điểm. Giải pháp được cho là cứng rắn mà cơ quan này đưa ra và áp dụng là cử người túc trực thường xuyên kể cả ban ngày và ban đêm để hạn chế việc lấn chiếm, song chỉ một lúc lơ là hoặc đúng ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, tình trạng lấn chiếm tái diễn. Những người làm công tác quản lý trật tự đô thị, công viên cây xanh cho rằng, việc đảm bảo trật tự đô thị phải cần được xem là trách nhiệm của toàn dân mới mong trả các điểm khu vực công cộng đúng như mục đích sử dụng của nó. Đội quản lý đô thị TP. Huế cho hay, đơn vị dù thường xuyên tổ chức các đợt ra quân dẹp trật tự, lấn chiếm tại tất cả các tuyến đường, công viên, bờ hồ, song sau mỗi đợt ra quân và bàn giao cho địa phương, các cơ quan liên quan quản lý, tình trạng lấn chiếm vẫn lặp lại.
Một cán bộ làm công tác quản lý đô thị lâu năm hiến kế, để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm công viên, bờ hồ, cần có chế tài xử phạt thật nặng. Cần thiết phải đưa về địa phương để có biện pháp răn đe, nhắc nhở. Bên cạnh đó, việc tạo sinh kế lâu dài bằng những chính sách cho vay vốn ưu đãi hoặc giới thiệu việc làm cũng cần được quan tâm hơn.
Bài, ảnh: Tâm Huệ