Là phóng viên được phân công tìm hiểu thông tin viết bài trả lời bạn đọc, sau khi đến xác minh tại ngôi nhà nói trên, tôi tiếp tục tìm đến xác minh thông tin tại công ty nọ. Tại trụ sở công ty, có khoảng 5, 6 người thanh niên nam nữ đang làm việc. Tôi: “Xin cho tôi hỏi đây có phải là công ty TNHH…?”. Một người ngồi ở bộ bàn ghế đặt giữa nhà xác định đúng. Tôi giới thiệu tên, là phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, nói rõ tên người phản ánh và nội dung phản ánh có liên quan đến công ty, đồng thời hỏi giám đốc công ty có ở nhà hay không và xin gặp để xác minh thông tin. Một thanh niên khác sau khi tìm kiếm trên máy tính, xác nhận dự án làm đường (nêu trong đơn phản ánh) đúng là do công ty thi công. Tuy nhiên, một số người cho biết, giám đốc không có mặt. Họ chỉ là nhân viên. Tôi xin số máy di động của giám đốc để tôi liên hệ đăng ký làm việc. Những người xung quanh không ai trả lời, còn người ngồi ở bộ bàn ghế đặt giữa nhà lắc đầu bảo “không”.

Tôi ngạc nhiên và… buồn.

Ô hay! Vì sao họ lại phải “cản trở” việc tôi liên hệ với giám đốc công ty để xác minh về thông tin người dân phản ánh liên quan đến hoạt động thi công của công ty, trong lúc người đứng đầu của công ty chắc chắn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả lời (có hay không việc thi công gây nứt nhà dân). Ngạc nhiên và buồn bởi, ngay sau khi tôi giới thiệu tên, cơ quan làm việc, đăng ký làm việc với nội dung gì, thì không bất cứ nhân viên nào có ý định mời tôi ngồi. Vậy nên tôi càng không “mơ” được mời nước, hành động xã giao, văn hóa mà bất cứ vị chủ nhà lịch sự nào cũng làm.

Và, từ hành xử của một số nhân viên công ty (hôm đó), tôi “lợn cợn”, không tránh khỏi cảm giác có điều gì thiếu minh bạch trong cung cách làm việc. Và nếu trong vai trò của một khách hàng hay đối tác làm ăn, tôi sẽ chẳng thể nào đặt sự tin tưởng vào công ty.

Quỳnh Anh