Trên thực tế, việc lao động trẻ rời bỏ quê hương lên thành phố tìm kiếm việc làm đã trở thành xu hướng, không chỉ ở nước ta mà ở bất cứ một nước đang phát triển nào. Những vấn đề về dân số và phát triển, trật tự an toàn xã hội và những áp lực trên tất cả các lĩnh vực khác về giáo dục, y tế, quản lý xã hội... đã tạo thành áp lực chung cho đô thị khi dòng chảy lao động chuyển dịch theo hướng này. Đây cũng không còn là một vấn đề mới nhưng giải quyết nó như thế nào để có hiệu quả tích cực vẫn là một câu hỏi không hề cũ.

 

Phát biểu tại buổi làm việc với ban chuyên môn của HĐND tỉnh, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội cho rằng, đã có tín hiệu vui khi một số lao động trẻ (bao gồm những người đã có gia đình và có một chút tích luỹ) đã trở về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số nhỏ và lực lượng thường trực ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn đa phần từ 45 tuổi trở lên. Điều này đã chi phối không nhỏ đến hiệu quả lao động nông thôn.

 

Thừa nhận thực tế là đa phần lao động trẻ ở nông thôn Quảng Điền đều đi tìm việc ở các khu công nghiệp hoặc vào nam, ông Hồ Vang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho rằng, tác động lớn nhất của độ tuổi lao động đến chất lượng lao động thể hiện rõ nhất ở việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ cấu cây trồng – một trong những “hạng mục” quan trọng nhất của việc xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, chủ trương của huyện là chuyển đổi 500ha đất trồng lúa ở vùng Quảng Lợi, Quảng Thái sang trồng lạc, mang lại hiệu quả và thu nhập cao hơn đã vấp phải lực lượng lao động cao tuổi, không đủ sức khoẻ cũng như độ hăng về một sự thay đổi. Vì thế, dù đã cố gắng, dù đã nỗ lực, cũng mới chỉ có trên 200 ha lạc trên đất lúa cũ.

 

“Người già thường dựa vào kinh nghiệm và rất sợ rủi ro – ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ - Vì thế, họ không mặn mà với bất cứ sự thay đổi hay chuyển dịch nào”. Một thực tế khác nhìn từ Phong Điền: Sự phát triển của nông thôn mới trong kinh tế cần những người trẻ, hào hứng với cái mới dựa trên sự tiếp thu khoa học công nghệ, biết tính toán, hoạch định hiệu quả... nhưng họ lại chưa phải là người có vai trò quyết định trên thửa đất/mảnh ruộng hay tiềm lực của gia đình. Sự chấp nhận đang có, cũng là một trong những tác nhân không nhỏ chi phối và ảnh hưởng đến việc xây dựng nông thôn mới.

 

Theo ông Nguyễn Đại Vui, xác lập lại vai trò quyết định trong sản xuất, làm ăn; làm thế nào để người dân vùng nông thôn nhận thức được việc cần chuyển giao vai trò quyết định trong sản xuất, làm ăn từ người nông dân già sang người nông dân trẻ được đào tạo, có trình độ, có độ tin cậy... là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển nông thôn mới hiện nay. Đây cũng là việc cần tạo ra sự chuyển biến bên cạnh những chính sách mang tầm vĩ mô trên các bình diện khác để trẻ hoá và nâng chất lượng lao động nông thôn trong yêu cầu mới...

 

Hạnh Nhi