Đánh thức tiềm năng

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP. Huế đã tích cực chỉnh trang, nâng cấp kè chống xói lở sông Kẻ Vạn (phường Kim Long), xây kè hói Phát Lát, nạo vét sông Ngự Hà, sông An Hòa... nhằm tạo bộ mặt mới, nối các điểm du lịch trong thành phố. Hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng trong việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị, đa số đều đồng tình với chủ trương chung.

Sông Ngự Hà hồi sinh sau khi được chỉnh trang. Ảnh: HK

Sông Ngự Hà và các con sông khác trong Kinh thành đi qua 4 phường nội thành đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bộ mặt đô thị Huế. Ông Nguyễn Sanh Thao, một người dân sống dọc tuyến sông Ngự Hà phấn khởi: “Sông Ngự Hà là 1 trong những con sông đào nằm trong hệ thống thủy đạo hết sức quan trọng dưới thời nhà Nguyễn. Sau khi TP. Huế đã triển khai dự án nạo vét, chỉnh trang đến nay, sông Ngự Hà đã giảm ô nhiễm rất nhiều, cảnh quan thoáng đãng trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch”.

Trong nhiều cuộc họp về du lịch, ông Nguyên Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết: “Huế có nhiều dòng sông đẹp, thơ mộng. Theo Quy hoạch phát triển du lịch bền vững TP. Huế đến năm 2020 đã được phê duyệt, các sông ở Huế sẽ có nhiều dịch vụ du lịch mới, như diễu hành thuyền rồng truyền thống kèm biểu diễn âm nhạc và ánh sáng từ Cồn Dã Viên về Cồn Hến nhằm thu hút khách du lịch dừng chân ở Huế lâu hơn”.

Theo ý tưởng của những nhà chuyên môn, đối với các sông trong Kinh thành Huế là phục hồi chòi nổi, nhà nổi hai bên sông đào thành những nhà hàng nhỏ thân thiện môi trường, phục vụ các món ăn truyền thống Huế trong thời gian nhanh nhất; bên cạnh đó, còn có những quầy bán hàng lưu niệm. Các dịch vụ vui chơi, giải trí khác trên sông nước cũng sẽ được nghiên cứu triển khai trong tương lai.

Phát triển theo hướng bền vững

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao: “Có thể thực hiện tour du lịch lý tưởng trên các sông Hương – Đông Ba – Ngự Hà; hay từ các sông Ngự Hà – Kẻ Vạn – sông Hương lên thăm chùa Linh Mụ, điện Hòn Chén hoặc từ Đại Nội theo đường bộ rồi du thuyền trên sông Ngự Hà. Riêng sông Hương, ngoài các sản phẩm du lịch như trước đây, có thể tổ chức thêm tuyến du lịch thăm phố cổ Bao Vinh, ngã ba Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên, hoặc kết nối sông Hương với các địa danh trên phá Tam Giang như một số công ty du lịch đang triển khai”.

Các tuyến đường ven “dòng sông vua” cũng được đầu tư xây dựng làm đẹp thêm cảnh quan dòng sông Ảnh: HK

Nhiều ý kiến ủng hộ ý tưởng mà TP. Huế và các ngành đưa ra, tuy nhiên, cách làm như thế nào để vừa đẩy mạnh phát triển du lịch trên sông nước, vừa phát huy được bản sắc văn hoá Huế, đảm bảo môi trường, cảnh quan là điều phải nghiên cứu, tính toán kỹ. Ngoài tạo một hệ thống thủy đạo tốt, cần xây dựng các bến đỗ, tạo cảnh quan hai bên sông…  “Hình thành tour du lịch trên sông Ngự Hà và các tuyến sông dọc Hộ Thành Hào sẽ rất lý tưởng. Song, để việc này sớm trở thành hiện thực, cần có sự phối hợp của nhiều ngành và các doanh nghiệp lữ hành. Hệ thống thuyền nhẹ, với tiếng máy nổ êm dịu là phương tiện được nghiên cứu để đưa vào khai thác tuyến du lịch trên các dòng sông khu vực Kinh thành Huế. Ngay từ bây giờ, điều mà TP cần làm là tập trung nhiều hơn đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, chống lấn chiếm bờ sông”, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Châu Văn Lộc, nhận định.

Một vấn đề khác là chất lượng nguồn nhân lực du lịch Thừa Thiên Huế chưa cao, cung cách phục vụ chưa chuyên nghiệp, nghiệp vụ còn yếu. Chủ tịch UBND TP. Huế chỉ ra nguyên nhân, là do cơ chế chưa rõ ràng trong thu hút đầu tư về du lịch, dịch vụ. Cách làm du lịch như hiện nay chưa hiệu quả, phải khuyến khích hài hòa giữa chủ thể người làm du lịch và quản lý du lịch, gắn quyền lợi với người dân. Quản lý Nhà nước về dịch vụ du lịch cũng phải có sự thay đổi cơ bản, không ôm đồm mà giao việc, có sự phân cấp để quản lý.

Minh Khuê