Chòi sạp ở điểm du lịch suối Alin tả tơi sau đợt lũ đầu tháng 11
Bị lũ phá và cuốn trôi
Thời gian qua, các điểm du lịch sinh thái, như suối Alin (xã Hồng Trung), Pârle (xã Hồng Hạ)…, thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Tại điểm du lịch sinh thái Alin, từ đường Hồ Chí Minh rẽ nhánh vào khu vực này, đều có biển chỉ dẫn; các tuyến đường nội bộ cũng được xây dựng. Chị H.T.N., người phục vụ ở đây cho biết, vào mùa nắng, khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng rất đông. Khu du lịch được phân thành hai điểm là thác Ârlang và suối Đăqpling, gồm 16 chòi trại. Sau trận mưa đầu tháng 11, nước lớn bất ngờ đổ về quét sạch 13 chòi trại. Đến nay, vẫn chưa dựng lại được”. Theo chị N. mỗi chòi trại có kinh phí khoảng 16 triệu đồng, diện tích khoảng 10m2/trại, được ông Lê Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Trung đầu tư xây dựng 2 năm nay.
Hiện, trên địa bàn huyện A Lưới có 13 điểm du lịch đang hoạt động. Tổng lượt khách tham quan du lịch năm 2016 ước đạt khoảng 45.000 lượt, tổng doanh thu ước đạt khoảng 9 tỉ đồng. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 100 lao động. |
Tại xã Hồng Hạ, năm 2014, suối Pârle được người dân khai thác du lịch tự phát. Tháng 3/2016, UBND xã Hồng Hạ tiến hành khảo sát sau đó đầu tư, xây dựng, chính thức mở điểm du lịch sinh thái thượng nguồn suối Pârle với 2 bãi tắm sức chứa lớn và 1 bãi đá cao hơn 5m dành cho du khách muốn thử cảm giác mạnh. Ở thượng nguồn con suối có hệ thống hang động rất đẹp. Từ 2 lán trại tự phát ban đầu đến nay, điểm du lịch này có đến 30 lán trại. “Để xây dựng, chúng tôi huy động Nhân dân cùng vào cuộc, từ cơ sở vật chất đến các dịch vụ du lịch cộng đồng. Ngoài được UBND huyện hỗ trợ 68 triệu đồng, chúng tôi lấy nguồn thu từ du khách để duy trì hoạt động, tái đầu tư và nhân rộng”, ông Lê Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết.
Trận mưa lớn vừa qua, 20 chòi sạp, vật dụng phục vụ du khách tại đây bị nước lũ cuốn trôi. Ông Lê Văn Hợi nói: “Mùa này, chỉ cần một trận mưa lớn cũng có thể xuất hiện lũ quét, lũ ống. Trận mưa lớn vừa qua, cơ sở vật chất tại điểm du lịch suối Pârle bị nước lũ cuốn sạch”
Nhanh chóng hoàn thiện thủ tục
Ông Hồ Văn Khuynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cho biết, điểm xây dựng du lịch Alin có diện tích trên 2.000m², đã được cấp GCNQSĐ, là đất góp do ông Lê Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Trung và những người bà con đồng chủ sở hữu. “Điểm du lịch này được xây dựng mấy năm, đón nhiều lượt khách và các thủ tục về giấy phép hoạt động đang hoàn thiện”, ông Khuynh nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Thời gian qua, các điểm du lịch sinh thái tại huyện A Lưới thu hút khá đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Chúng tôi cũng đã mời các doanh nghiệp du lịch như, Huế Tourist, Đại Bàng khảo sát và dẫn khách đến tham quan. Vào mùa mưa lũ, chúng tôi đề nghị các điểm du lịch này tăng cường các biện pháp, trang bị đầy đủ phương tiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Sở đang phối hợp với Phòng VHTT huyện A Lưới hướng dẫn thủ tục đăng kí điểm du lịch đạt chuẩn để đón khách, nhất là phương tiện cứu hộ, an toàn. |
Trước đây, khi bắt đầu xây dựng khu du lịch này, UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ xây dựng công trình nhà vệ sinh, yêu cầu thành lập HTX du lịch để có một Ban Quản lý riêng. Ông Khuynh cũng thừa nhận, việc khu du lịch hoạt động đang tiềm ẩn nguy cơ về lũ quét trong mùa mưa bão, gây mất an toàn cho du khách. “UBND huyện A Lưới đã mời chủ khu du lịch lên làm việc, yêu cầu phải hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi đi vào hoạt động”, ông Khuynh cho hay.
Điểm du lịch sinh thái thượng nguồn suối Pârle chỉ trong 6 tháng sau khi thành lập đã đón gần 20.000 lượt khách, mang lại doanh thu cho xã Hồng Hạ gần 1 tỉ đồng. Song đến nay, điểm du lịch này vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Ông Hợi thừa nhận: “Theo nguyên tắc khi thành lập khu du lịch chúng tôi phải xin cấp phép. Hiện nay, chỉ mang tính tự phát, thử nghiệm là chính. Tuy chưa có văn bản chính thức nhưng chúng tôi cũng đã báo cáo lên UBND huyện về việc mở địa điểm du lịch này”. Theo ông Hợi, sắp tới điểm du lịch này sẽ được đầu tư bài bản, quy mô hơn sau đó chính quyền xã sẽ có tờ trình lên UBND huyện và các cơ quan có thẩm quyền để cấp phép hoạt động.
Tại xã Hồng Thái, UBND xã này cũng làm tờ trình gửi Phòng VHTT huyện A Lưới để xin mở điểm du lịch vào trong lòng hồ thủy điện A Lưới, đưa đón du khách tham quan bằng thuyền đuôi tôm. Tuy nhiên, Phòng VHTT huyện A Lưới chưa chấp nhận yêu cầu này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, những điểm du lịch mới hình thành mới được đầu tư sơ bộ. UBND huyện đang hướng các cá nhân, đơn vị hình thành các tổ hợp tác, HTX và khi thành công sẽ cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoàn thiện các thủ tục đăng ký kinh doanh và các thủ tục liên quan.
QUỲNH VIÊN-HÀ NGUYÊN