Giáo sư Võ Tam nhận quyết định chức danh Giáo sư

“Được kết quả như hôm nay, tôi may mắn hơn các bạn cùng thời. Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo thuần nông, nằm dọc theo sông Bồ của Thừa Thiên Huế: La Vân Hạ, xã Quãng Thọ, huyện Quảng Điền. Những năm 1965-1966 ở làng quê chỉ có lớp học vỡ lòng, lớp một, lớp hai (theo cách gọi bây giờ). Lúc đó, nếu học lên nữa của bậc tiểu học hay trung học thì phải học ở trường của xã hoặc của huyện, đi lại vất vả, nhất là thời tiết của Huế mưa dầm và đường sá khó khăn, cách trở, nên nhiều bạn bè cùng thời ở quê phải ngừng học để theo nghiệp đồng áng. Gia đình tôi không phải diện giàu có, nhưng ông nội và cha tôi là thầy giáo trường làng, muốn các anh em chúng tôi được tiếp tục con đường học vấn, nên tôi và các anh em kể cả hai người chú được gia đình gửi lên Huế, để tiếp tục việc học tập”. GS Tam kể về sự nghiệp y khoa trong một chiều mưa Huế.

“Việc chọn nghề y, bây chừ nghĩ lại âu cũng là duyên phận”, GS Võ Tam nói. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1977, ông nộp đơn thi đại học tại 3 trường đại học: Y khoa Huế, Sư phạm Huế và Nông lâm Huế và trúng tuyển cả 3 trường này.

Trải qua 6 năm học ở Trường đại học Y khoa Huế, sau này là Trường đại học Y Dược Huế, với những nỗ lực, sự giảng dạy nhiệt tình, đầy tâm huyết của thầy cô tại trường đã giúp ông dần định hướng trong nghề nghiệp và đã chọn chuyên ngành nội khoa để thực hành nghề nghiệp y sau này. Một điều may mắn, với những nỗ lực trong học tập, sự dìu dắt tận tâm của thầy cô giáo, ông đã tốt nghiệp thủ khoa y khoa chuyên ngành nội nhi năm 1983 khóa 1977-1983 và được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Nội của trường.

Sau 2 năm thực hành của tất cả chuyên khoa thuộc nội khoa, ông được phân công ở lại chuyên khoa thận học để làm công tác giảng dạy và điều trị. Việc được đào tạo sau đại học trong chuyên khoa thận học cũng bắt đầu từ định hướng này của bộ môn Nội và của trường, từ đào tạo trong nước bác sĩ chuyên khoa cấp 1, thạc sĩ (1998), tiến sĩ (2004) đều làm đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực thận học, đến đào tạo sau đại học ngoài nước. Ông được đào tạo sau đại học ở Cộng hòa Pháp: làm bác sĩ nội trú bệnh viện chuyên ngành thận năm 1993 – 1994; bác sĩ nội trú bệnh viện lần 2  năm 1997 chuyên ngành thận, thận nhân tạo tại Đại học Montpellier - Pháp và chuyên ngành lọc màng bụng, ghép thận tại Đại học Paris VII - Pháp năm 2007. Hai chuyên ngành mà hiện nay ông đã và đang quan tâm, đi sâu vào nghiên cứu là thận học và cơ xương khớp. Trong 33 năm công tác trong chuyên ngành thận và cơ xương khớp, ông đã viết và đăng 122 bài báo  trên các tạp chí chuyên ngành. Với những hoạt động nghề nghiệp của mình, hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Thận - tiết niệu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam, ủy viên Thường vụ Hội Ghép tạng Việt Nam. Từ năm 2005 ông tham gia công tác quản lý Bộ môn Nội và từ năm 2009 đến nay là Phó Hiệu trưởng, phụ trách công tác đào của trường. “Tôi nghĩ, đây cũng là cơ hội để bản thân có thể góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường đại học Y Dược Huế ”, GS Võ Tam tâm sự.

Năm 2009, ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư. Ở học vị mới, với nhiệt tình, khả năng chuyên môn được đào tạo trong lĩnh vực chuyên ngành. Ông  luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong đào tạo sau đại học của bộ môn; đã hướng dẫn chính nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, học viên cao học và học viên bác sĩ chuyên khoa cấp 2 . Ông cũng đã tham gia các công tác của Hội đồng (phản biện, ủy viên, chủ tịch) chấm luận văn, luận án tốt nghiệp sau đại học: Thạc sĩ, bác sĩ nội trú bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, tiến sĩ  tại Trường đại học Y Dược Huế và  được mời tham gia các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ chuyên ngành thận tiết niệu của các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh khác trong nước; hoàn thành nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước.

Ông Võ Tam cho rằng, là người thầy giáo, thì việc chọn ngành y là để cứu giúp người bệnh, lấy việc khỏi bệnh của người bệnh là niềm vui. Ông luôn dạy sinh viên, người thầy thuốc thì niềm vui của mình là được bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội tôn trọng. Muốn có được điều này, người thầy thuốc chân chính cần có cả y thuật lẫn y đạo. Tôi vẫn còn nhớ mãi sự kiện ghép thận của bệnh nhân Cẩm Tú, người bị Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cắt nhầm hai quả thận. Bệnh nhân Tú luôn nhắc tên bác sĩ Tam vì ông là một trong những bác sĩ tận tụy, bỏ nhiều công sức nghiên cứu để có những phương pháp điều trị hiệu quả trước và sau khi ghép thận cho bệnh nhân. 

Năm nay, ông được công nhận chức danh Giáo sư. Đó là niềm vinh hạnh, đánh dấu những thành quả, những cống hiến của ông trong sự nghiệp làm thầy giáo và thầy thuốc.

ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG