Phòng ngừa và phát hiện sớm
Ung thư xảy ra do DNA của tế bào bị hủy hoại, làm kích hoạt các gene sinh ung và bất hoạt gene ức chế khối u. Trong ung thư gan, người ta biết rõ một số yếu tố nguy cơ, đó là: viêm gan mạn tính do virut, xơ gan, nghiện rượu, béo phì, aflatoxin, phơi nhiễm hóa chất dioxin, arsen... Vậy thì có thể phòng ngừa được ung thư gan nếu loại bỏ các yếu tố nguy cơ: Không dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn, tiêm văcxin... tránh lạm dụng rượu, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế tiếp xúc với hóa chất gây ung thư, như dioxin trong chất da cam, arsen từ nguồn nước, không dùng thực phẩm ôi mốc trong gạo, đậu... chứa độc tố aflatoxin.
Nghiên cứu cho thấy, sống thêm 5 năm cho ung thư gan giai đoạn tại chỗ (khối u còn khu trú trong gan) là 28%, tỷ lệ này giảm chỉ còn 7- 2% nếu khối u xâm lấn ra ngoài gan, di căn hạch hoặc di căn xa. Vậy, cần thiết sàng lọc phát hiện sớm để cải thiện kết quả điều trị, kéo dài thời gian sống thêm. Những người có nguy cơ cao, như xơ gan, viêm gan mạn tính, nhiễm HBV, HCV... nên đi khám sàng lọc mỗi 6- 12 tháng, trong đó một xét nghiệm quan trọng cần làm là xét nghiệm sinh hóa máu tìm chất chỉ điểm khối u αFP (αFP là một protein được sản xuất chủ yếu ở gan của thai nhi và các phần khác của phôi thai phát triển). Việc đo αFP có thể giúp chẩn đoán phân biệt u lành hay u ác tính của gan. Hiện nay, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á ứng dụng công nghệ này trong kiểm tra và tầm soát ung thư gan.
Điều trị đích
Chỉ rất ít bệnh nhân có chỉ định cắt bỏ gan và ghép gan, đến nay người ta nỗ lực điều trị ung thư gan bằng rất nhiều phương pháp khác nhau, như phẫu thuật (kể cả phẫu thuật nội soi), nút hóa chất động mạch (TACE- transarterial chemoembolization), thuyên tắc mạch hoá học bằng chất dầu (TOCE- transcatheter oily chemoembolization), đốt sóng cao tần (RFA- radio-frequency ablation)... Ung thư gan thường phát triển trên nền xơ gan nên vấn đề trong điều trị là làm sao giữ được tối đa phần nhu mô gan lành, duy trì được chức năng gan. Xu hướng hiện nay là ứng dụng các phương pháp điều trị đích bằng thuốc hoặc xạ trị.
Người ta cũng tiếp cận khối ung thư gan bằng phương pháp xạ trị với mục tiêu đạt liều xạ cao tại khối u nhưng giảm thấp nhất liều xạ cho mô lành xung quanh. Các phương pháp hiện có là đưa hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 vào động mạch nuôi khối u, làm xơ hóa các mạch máu, tiêu diệt chọn lọc các tế bào ung thư. Bằng các kỹ thuật định vị, bất động bệnh nhân và hệ thống lập kế hoạch tiên tiến người ta thực hiện kỹ thuật xạ trị định vị thân (SBRT) dưới hướng dẫn hình ảnh thông qua máy xạ trị gia tốc hiện đại cũng giúp điều trị các tổn thương ung thư gan với ít tác dụng phụ nhất.
Ngoài ra, một cách tiếp cận mới là điều trị bằng virut. Virut có tên JX-594, một loại tương tự như virut được sử dụng để sản xuất vắc-xin bệnh đậu mùa nhưng được làm biến đổi trong phòng thí nghiệm để chỉ tác động chủ yếu vào tế bào ung thư. Virut thâm nhập vào các tế bào ung thư, gây chết tế bào hoặc tạo ra các protein để rồi bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đây là một hướng điều trị đầy hứa hẹn.
TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG