Một đôi vợ chồng đến TAND TP. Huế thực hiện thủ tục ly hôn. Chồng 31 tuổi, vợ 26. Mới hơn hai năm trước, họ cùng nhau đến UBND phường đăng ký kết hôn.

Trong lúc chờ đến lượt, người phụ nữ trẻ trút bầu tâm sự. Cô kể, người “mai mối” cho cô và chồng lại chính là... mẹ chồng. Cách đây hơn hai năm, mẹ của anh con trai ngấp nghé tuổi 29 để ý đến cô gái trẻ thường đến thăm ông bà nội (là hàng xóm của nhà bà). Quan sát thấy cô gái xinh xắn, hiền lành, hiếu thảo, nên ưng bụng muốn “rước” về làm dâu. Bà “gạ” đứa con trai tính tình vốn “hiền như bụt” xúc tiến “cưa cẩm”.

Một tháng sau, anh con trai ngỏ lời cầu hôn cô gái. Người mẹ vun vào thúc giục. Thấy anh thanh niên hiền lành, mẹ chồng tương lai dành tình cảm thương mến đặc biệt cho mình, dù thời gian gặp gỡ ngắn ngủi, chưa thực sự hiểu nhau nhưng mơ về một gia đình êm ấm, nàng dâu được mẹ chồng che chở, cô gái gật đầu. Đám cưới diễn ra vui vẻ trong sự chúc phúc của hai bên gia đình nội ngoại dành cho đôi vợ chồng trẻ. Hay tin con dâu mang thai, mẹ chồng mừng lắm. Bà càng thương con dâu nhiều hơn.

Làm nhân viên văn phòng tại khu công nghiệp Phú Bài (đóng trên địa bàn thị xã Hương Thủy), nhà lại ở Huế nên sáng đi, chiều cô mới về. Hàng ngày, khi con dâu về tới nhà thì đã có bữa chiều mẹ chồng chuẩn bị sẵn. Cả nhà quây quần bên mâm cơm vui vẻ đầm ấm. Thế nhưng sự đầm ấm bị xáo trộn khi mấy bà cô bên chồng (tức chị chồng của cô dâu) “ngứa mắt”. “Họ bảo với mẹ chồng em, rước dâu về là để dâu cơm nước, hầu hạ mẹ chồng, ai lại ngược đời mẹ chồng đi hầu hạ con dâu. Mẹ chồng em nghe theo. Em tan giờ làm, chạy về nhà cũng phải mất 30 phút. Dù chiều muộn, mẹ chồng cũng đi loanh quanh hàng xóm chơi, nhất định không động tay động chân việc gì nữa”. Người phụ nữ trẻ ngậm ngùi tâm sự, thôi thì đi làm về cố nấu cơm dọn dẹp cũng không sao. Nhưng khi chồng tự giặt áo quần của mình (coi như là chia sẻ bớt việc nhà với vợ) thì mẹ chồng lại “ngứa mắt”, chì chiết con trai là... “dại vợ”, nghe vợ. Chồng cô “sợ” mẹ, từ đó dứt khoát không động tay vào bất cứ việc nhà. Cô ấm ức bảo vợ chồng ra thuê nhà ở riêng, nhưng chồng không nghe. Mối quan hệ nàng dâu với nhà chồng càng lúc càng...lạnh.

Cách đây mấy tháng, thấy cảnh chồng “chạy quanh” mượn 100 nghìn đồng, cô quá bực. Nghĩ đến thời gian gần đây chồng xem banh bóng, cũng đua đòi cá cược, nỗi bực càng lớn hơn, cô buông lời cằn nhằn. Mấy người chị chồng, anh chồng biết chuyện, xúm vào chì chiết em dâu vì tội cả gan “dạy” chồng. Lời qua tiếng lại, bốn người xông vào đánh em dâu. “Chồng em chứng kiến cảnh đó mà không hề can ngăn. Em tức nước vỡ bờ, đánh lại luôn. Dĩ nhiên là thua, bị đánh sưng mặt sưng mày, vì em chỉ một, còn họ tới bốn người. Mẹ và anh, chị chồng còn gọi điện thoại cho mẹ em đến để “trả” con gái, cháu ngoại. Thấy sự việc “lùm xùm”, chồng em trốn mất tiêu khỏi nhà mấy tháng. Ngày trước em nghĩ chồng hiền, bây giờ mới “vỡ nhẽ” ra là chồng nhu nhược, khi có vấn đề chỉ biết trốn tránh. Nhà chồng và chồng kiểu đó thì hy vọng gì. Chỉ còn cách ly hôn để làm lại cuộc đời, nên em viết đơn. Chồng cũng ký rồi”-người phụ nữ thở dài.

Những người nghe câu chuyện cũng không nén được thở dài. Giá như anh, chị chồng, mẹ chồng và vợ chồng người phụ nữ trẻ đó biết suy nghĩ, cư xử chính chắn, đúng mực với tinh thần, trách nhiệm vun vén, xây dựng, thì đâu đến nỗi một gia đình đến bên bờ vực tan đàn xẻ nghé. Một đứa trẻ mới hơn tuổi phải chịu thiệt thòi. Thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết vụ án ly hôn nói trên cho biết, tòa án thực hiện công tác hòa giải. Nhưng, cũng như rất nhiều trường hợp vợ chồng đem nhau ra tòa, có trở về đoàn tụ, yêu thương nhau hay không, phải do những người trong cuộc thực sự điều chỉnh suy nghĩ, hành vi ứng xử của mình.

Duy Trí