Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định rõ doanh nghiệp nào Nhà nước cần thoái vốn và doanh nghiệp nào không cần nắm cổ phần chi phối. Cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành có còn phù hợp không. Những vấn đề nào mới đặt ra trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn. Xử lý vấn đề đất đai trong quá trình cổ phần hóa. Việc sắp xếp lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp. Vấn đề tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa...

Trên cơ sở đó, hội nghị đã tập trung thảo luận, tìm giải pháp để việc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đạt kết quả cao nhất. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 3 doanh nghiệp đã hoàn thành việc cổ phần hóa; 1 doanh nghiệp cổ phần hóa không thành công và 2 doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa...

Tâm Anh