Đây gần như là vấn đề của nhiều tỉnh, thành trong cả nước và Thừa Thiên Huế cũng không phải là ngoại lệ, điều khác có lẽ chỉ ở quy mô, phạm vi và mức độ mà nó tác động. Báo Thừa Thiên Huế cũng đã không ít lần đề cập đến vấn đề này. Mới đây nhất là thông tin về người dân các phường Thủy Xuân, An Tây, An Đông, Thủy Biều, Hương Long, An Hòa gửi đơn thư đề nghị xem xét lại việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các hộ gia đình, về việc những đàn bò đi nghênh ngang trên các tuyến đường ở các phường vùng ven, cả ở những địa điểm di tích, di sản văn hóa... gây một hình ảnh không được đẹp về thành phố văn hóa, thành phố xanh. Ở các huyện, thị thì ô nhiễm lại tập trung ở các điểm chăn nuôi trong nhà dân, về môi trường xung quanh các hồ nuôi tôm do người dân xả thải của quá trình chăn nuôi một cách thiếu kiểm soát, hoặc chưa có ai kiểm soát. Điều đáng nói là không phải ở các điểm, trang trại chăn nuôi lớn mà những phàn nàn này đa phần chủ yếu ở các khu dân cư hoặc gần nơi sinh sống của các khu dân cư. Cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ hầu như những người có ý định chăn nuôi lớn đều có  và phải  có ý thức đầu tư để kiểm soát xả thải. Có như vậy mới phát triển ổn định được.

Con số mới đây từ báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, đến tháng 10/2016, đàn trâu trên địa bàn là 22.287 con, đàn bò 34.798 con, đàn lợn 208.104 con và tất cả đều tăng về số lượng. Năm 2017 tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai và tỷ lệ lợn nạc trong tổng đàn, mở rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với cơ sở an toàn dịch bệnh; phát huy năng lực sản xuất của trại giống lợn ngoại; hỗ trợ các tập đoàn, các công ty nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn gà gia trại, trang trại, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao...Tất nhiên, đi kèm với điều này phải là yêu cầu về việc xây dựng tốt quy hoạch và kiểm soát thực hiện đúng quy hoạch của các vùng chăn nuôi với các yêu cầu đạt chuẩn về giống, thức ăn, công tác thú y... và cơ bản nhất là ứng xử của các cơ sở chăn nuôi đối với môi trường. Đây là điều kiện cần, trước hết cho người tham gia chăn nuôi trong sự tạo lập ổn định và bền vững môi trường, và là điều kiện đủ, đối với môi trường sống cho cả bản thân những người tham gia chăn nuôi nữa.

Theo thuathienhue.gov.vn, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND ngày 5/12/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp, với việc yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát và lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, hạn chế và tiến đến không phát triển chăn nuôi trong khu vực tập trung đông dân cư và nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Đây cũng là một giải pháp để kiểm soát và thiết lập lại môi trường trong chăn nuôi một cách quy củ hơn.

Minh Hà