Nguyễn Tuấn Hiệp chọn cho mình công việc làm thêm gắn với ngành học – làm cộng tác viên báo. Ảnh: NTH

Bạn Đăng Tùng, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế chia sẻ, hồi còn sinh viên, Tùng làm nhân viên trực đêm ở khách sạn. Do tính chất công việc phải ở lại từ 9h30 tối đến 7h sáng hôm sau nên mỗi tháng chỉ làm 15 ngày, lương vỏn vẹn có 1 triệu đồng. Công việc “chỉ tới ngủ lại” nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng kỳ thực lại vô cùng mệt mỏi. Giấc ngủ của Tùng không bao giờ trọn vẹn, khách gõ cửa lúc khuya, đập cửa vào sớm tinh mơ là chuyện thường tình. Có khi nửa đêm khách gọi đem nước lên phòng, lại có những vị khách khiếm nhã đưa ra những đề nghị không lọt tai. “Được cái giờ giấc không trùng với lịch học của mình”, Tùng nói.

Để chủ động về công việc, không ảnh hưởng đến việc học, lại không phải chịu sự “chèn ép” của chủ, nhiều bạn trẻ đã tìm một công việc do chính mình làm “ông chủ”. Phạm Phương Thảo hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học Huế. Đam mê với những góc ảnh cô chọn công việc chụp ảnh ngoại cảnh để kiếm thêm thu nhập, trang trải các chi phí của mình. “Mình xem việc chụp ảnh là nghề tay trái, còn việc chính vẫn là học. Khi nào có khách đặt lịch mà mình rảnh thì đi chụp để kiếm thêm thu nhập”. Công việc nào cũng có khó khăn riêng, dù làm “ông chủ”, ban đầu Thảo cũng vấp một vài khó khăn như chưa có nhiều kinh nghiệm, rồi bị gièm pha là “phá giá” khi chụp với giá rẻ hơn. Vượt lên tất cả, những niềm vui, những kỷ niệm khi đi chụp ảnh cho khách, nguồn thu nhập khoảng một triệu đồng một tháng là động lực khiến Thảo duy trì công việc “làm thêm” này của mình. Thảo nói.

Là sinh viên chuyên ngành báo chí, Nguyễn Tuấn Hiệp, sinh viên năm tư Trường ĐH Khoa học Huế chọn cho mình công việc làm thêm gắn với ngành học của mình – làm cộng tác viên báo. “Vì rất muốn được thử khả năng viết của mình ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cùng với niềm đam mê muốn đi nhiều nơi để biết nhiều kiến thức thực tiễn nên em viết báo đã gần hai năm” Hiệp chia sẻ. Có những khi bài không được đăng nhưng Hiệp vẫn vui vì đã được đi, được trải nghiệm và học hỏi. Công việc cộng tác viên báo đem đến cho Hiệp nguồn thu nhập từ bảy trăm nghìn đến một triệu rưỡi đồng, tùy tháng bài được đăng nhiều hay ít, nhưng cái được lớn hơn là giúp Hiệp hoàn thiện các kỹ năng, giúp định hướng nghề nghiệp tương lai.

Lê Thị Ánh Ngọc – cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế là cô nàng bắt kịp các xu hướng thời trang. Tận dụng ưu điểm, thời sinh viên cô làm công việc bán áo quần online để kiếm thêm thu nhập. Ngọc lấy nguồn hàng trên các trang mạng hoặc các công ty, cửa hàng. Cô không bỏ vốn cho các sản phẩm mà cập nhật những xu hướng thời trang thịnh hành về trang Facebook cá nhân, khách thích mẫu nào sẽ đặt hàng mẫu ấy. “Trong 4 năm đại học, mình đã làm thêm rất nhiều việc, từ bưng bê ở quán cafe, làm gia sư hay nhân viên bán hàng ở shop quần áo. Các công việc đó có mức lương từ 600 đến 900 nghìn đồng. Sau này, mình bán quần áo online để vừa có thu nhập, lại vừa chủ động trong công việc”, Ngọc chia sẻ.

Năng động, tự tạo ra việc làm thêm cho chính bản thân mình là cách các bạn trẻ chứng minh giá trị của mình.

PHƯỚC LY