Hình thành vựa lúa, rau màu

Lúa và rau màu là hai loại cây trồng chủ lực của Phong Điền.Toàn huyện có hơn 10.000 ha lúa và 200 ha hoa màu. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất, chất lượng tăng qua các năm.

Mô hình trồng rau sạch ở Phong Điền được chú trọng

Điền Lộc là một trong những xã đi đầu trong sản xuất lúa gạo giá trị cao và rau sạch. Toàn xã có 320ha lúa và 50 ha rau màu. Năm 2015, xã triển khai mô hình trồng lúa giá trị cao theo hướng VietGAP, liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh sản xuất 4,5ha lúa chất lượng cao; phối hợp với Trạm Khuyến nông-lâm-ngư huyện Phong Điền trồng rau hữu cơ theo hướng VietGAP, với diện tích gần 2.000m2.

Ông Lê Hợi, trú tại thôn Nhất Đông, xã Điền Lộc, có trên 30 năm trồng rau sạch bảo, giữa năm 2015, gia đình triển khai trồng rau sạch trên diện tích 750m2. Rau trồng tùy theo mùa, bao gồm xà lách, cải, tần ô, ngò, hành, dền, mồng tơi…và tuân thủ các quy định về sản xuất rau sạch. Đến nay, các siêu thị ở Huế đặt hàng. Giá rau cao hơn rau thường. Hàng năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên dưới 30 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lộc khẳng định, xã đã xây dựng mô hình sản xuất rau sạch theo quy chuẩn VietGAP với 55 hộ tham gia trên diện tích 2ha với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng. Riêng đối với lúa, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định, cao hơn mặt bằng nên được người dân hưởng ứng và đang triển khai trên 60ha lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP.

Ở Phong Điền, cây lúa tập trung chủ yếu ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương và vùng Ngũ Điền là nơi có điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Ở đây đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn trên 20ha; đồng thời tập trung 7 cơ sở xay xát, trong đó có 2 cơ sở xay xát lớn thu mua lúa từ các vùng bắc Thừa Thiên Huế và nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Riêng rau màu tập trung ở các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Phong An. Thu nhập từ rau màu cao gấp 5 đến 6 lần cây lúa, nhưng do thị trường chưa ổn định nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.

Thực hiện đồng bộ kỹ thuật tiên tiến

Về vai trò của HTX trong việc hỗ trợ người dân sản xuất rau an toàn, theo ông Hồ Đôn, Chủ tịch UBND xã Phong An: Để tiêu thụ sản phẩm, HTX Phò Ninh là đầu mối đứng ra tổ chức thu mua và sơ chế rau an toàn cho các hộ dân; đồng thời đóng gói bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu và liên hệ với các đơn vị thương mại dịch vụ, siêu thị và đối tác khác để tiêu thụ sản phẩm; mở thêm từ 1 đến 2 điểm tiêu thụ rau an toàn tại chợ An Lỗ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết: Phong Điền đã và đang triển khai đề án phát triển sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP và sản xuất rau màu theo quy chuẩn VietGAP. Bảy xã được chọn làm thí điểm để trồng lúa và 2 xã thí điểm làm rau sạch. huyện sẽ hỗ trợ kinh phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh phí thực hiện vụ đầu tiên; xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm; liên kết quảng bá sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm lúa và rau sạch…

Huyện chỉ đạo phòng chức năng và chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến từ gieo trồng đến thu hoạch; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để có chuyển biến về chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất, chất lương, giá trị hàng hóa, kết nối được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền trao đổi với chúng tôi.

Các xã Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hương, Phong Bình, Phong Hòa, Phong Chương được chọn làm điểm sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích gần 560ha, bắt đầu thực hiện từ vụ đông xuân 2016-2017. Điền Lộc, Phong An được chọn làm vùng trồng rau sạch với diện tích mỗi xã là 2ha và đang triển khai các bước theo quy chuẩn VietGAP và triển khai thực hiện vào tháng 12/2016.

Bài, ảnh: Hải Huế