Thiếu sân chơi

Ths. Lê Thị Hải Ngọc, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật & đào tạo ngắn hạn (Trường ĐH Luật – ĐH Huế) cho biết, theo khảo sát của một trường ĐH tại Hà Nội, tỷ lệ sinh viên chưa hiểu biết sâu về pháp luật lên đến 70%, nhất là kiến thức về pháp luật liên quan trực tiếp đến các em: dân sự, giao thông, hôn nhân gia đình. tại ĐH Huế, hiện nay vẫn chưa có một cuộc khảo sát tương tự.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm thi tiểu phẩm pháp luật

việc chưa am hiểu kiến thức pháp luật dẫn đến sinh viên vi phạm các quy định của pháp luật hoặc chịu thiệt thòi. Tại Huế, hằng năm có trên 10.000 sinh viên mới bước vào giảng đường ĐH, đa số phải thuê trọ hoặc ký túc xá. Do không am hiểu về pháp luật, nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp với chủ trọ vấn đề đặt cọc, hợp đồng thuê trọ hoặc đăng ký cho bạn qua đêm, chủ trọ thu tiền điện cao hơn giá quy định. “Em biết họ thu cao hơn quy định thông qua đọc báo, nhưng hiểu chưa kỹ pháp luật nên không biết cách nói lại”, Nguyễn Văn Phú, sinh viên Trường ĐH Khoa học nói.

Nhiều trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc ĐH vẫn còn thiếu một sân chơi pháp luật đúng nghĩa. Ngoại trừ Trường ĐH Luật, ĐH Sư phạm và một số trường không thuộc ĐH Huế (Học viện âm nhạc Huế) thường xuyên tổ chức sân chơi Ngày pháp luật thì đa phần, các trường còn lại đang lồng ghép hoạt động tuyên truyền pháp luật vào tuần sinh hoạt công dân, các buổi học chính trị đầu năm với dung lượng ít do giới hạn về thời gian.

hiện nay, một số ngành học đã đưa môn pháp luật đại cương vào khung chương trình đào tạo. Tuy nhiên, môn học này thường chỉ được bố trí 2 tín chỉ (khoảng 30 tiết). Theo các chuyên gia pháp luật, so với hệ thống pháp luật quá nhiều văn bản luật (gần 20 ngành luật) như hiện nay, chừng đó là không đủ để sinh viên nắm bắt được những kiến thức cần thiết của pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, sinh viên ví những buổi tuyên truyền pháp luật đầu năm hay các bài học từ môn pháp luật đại cương như là “món ăn khó nuốt” do cách truyền đạt khô khan, thiếu sinh động, mang nặng tính lý thuyết.

Tham dự chương trình Ngày pháp luật tại Trường ĐH Sư phạm Huế, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt với những các buổi tuyên truyền pháp luật bình thường khác. Thông qua phần thi tiểu phẩm, trò chơi câu hỏi có thưởng, sinh viên sôi nổi và nắm bắt kiến thức pháp luật tốt hơn. PGS. TS Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng chia sẻ, đây là chương trình thu hút sinh viên từ đầu đến cuối, hầu như không có ai về trước. Các em ngồi đến cuối chương trình và các câu hỏi khảo sát cho thấy, sinh viên nắm bắt khá tốt kiến thức pháp luật mà báo cáo viên phối hợp với nhà trường đã chuẩn bị sẵn.

Ths. Lê Thị Hải Ngọc nhấn mạnh, hiệu quả thấy rõ, nhưng đáng tiếc là nhiều trường chưa mặn mà với các hoạt động này. Ngay cả các trường có quan tâm, tổ chức thì số lượng chương trình vẫn còn ít, mỗi năm trung bình chỉ 1–2 lần, chưa phát huy hết hiệu quả do chưa thường xuyên cập nhật những kiến thức pháp luật mới. Theo bà Ngọc, những cách đã làm chỉ giúp sinh viên dừng lại ở mức “nghe qua”, chưa có môi trường để hiểu biết sâu rộng kiến thức pháp luật.

Quyết tâm là làm được

Lâu nay, một số trường lý giải việc chưa tổ chức các chương trình về pháp luật là do khó mời báo cáo viên, do vấn đề kinh phí. Trung tâm Tư vấn pháp luật và đào tạo ngắn hạn lại cho rằng, đây chưa phải là khó khăn khi kinh phí mời báo cáo viên chưa tới 1 triệu đồng. Bà Ngọc nhấn mạnh, Trung tâm tư vấn pháp luật & đào tạo ngắn hạn thuộc trường ĐH Luật (thành viên của ĐH Huế), hiện có đủ nhân lực và sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, không quá đặt nặng vấn đề kinh phí. 

Tháng 5/2016, ĐH Huế có văn bản gửi các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc về việc triển khai các văn bản luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, trong đó nêu rõ việc liên hệ trung tâm để mời báo cáo viên. Điều này chứng tỏ, ĐH Huế quan tâm đến việc tuyên truyền kiến thức pháp luật cho sinh viên. Tuy nhiên vì nhiều lý do, một số trường chỉ tổ chức tuyên truyền pháp luật theo hình thức “liệu cơm gắp mắm”.

việc mời báo cáo viên, tổ chức các hoạt động như một số trường từng làm vẫn chưa đủ, do xã hội nảy sinh nhiều vấn đề mới, pháp luật cũng thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi để phù hợp. Do vậy, phải có những sân chơi mang tính thực hành thường xuyên hơn, có thể là mô hình câu lạc bộ, đội nhóm hoặc Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên các trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa về pháp luật.

Một vấn đề nữa là các trường vẫn đang còn thiếu tủ sách pháp luật. Hiện, hệ thống sách, tài liệu pháp luật ở các trường được bố trí, sắp xếp trong các thư viện, việc cập nhật tài liệu pháp luật mới vẫn còn hạn chế. Nếu khó khăn trong việc xây dựng các tủ sách pháp luật riêng, thì việc sắp xếp, bố trí một tủ sách pháp luật ở một góc nổi bật trong thư viện để sinh viên dễ nhìn thấy cũng có thể là một giải pháp khả quan.

Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc