Người phụ nữ Pa Cô chọn lá sắn để chế biến món ăn cho gia đình.
Để chế biến món xào ngon và giữ được màu xanh mướt của lá sắn, cần phải có kinh nghiệm trong việc chọn lá, thường là những ngọn non, mập mạp, có màu xanh . kỹ thuật sơ chế cũng rất quan trọng, đầu tiên phải chọn nồi rộng để đun nước, chờ nước thật sôi mới cho lá sắn vào chần qua rồi nhanh tay vớt lá ra thau nước lạnh. nếu nước chưa sôi mà cho lá sắn vào thì lá bị vàng, dễ bị nhũn nát.
Sau khi “chần” thì lá còn hăng và chứa nhựa gây đắng, phải rửa lá nhiều lần với nước, tiếp đó thêm muối vào và khéo léo dùng lực vừa phải vò làm sao cho lá sắn nhừ, mềm nhưng vẫn giữ nguyên búp không bị nát. Vò xong rửa lại nhiều lần với nước sạch cho tới khi không còn nhựa. Đợi ráo nước rồi trộn với những gia vị cần thiết như ớt, muối, bột ngọt. Sau đó bắc chảo lên bếp, cho dầu vào và để thật sôi. Để món ăn có mùi thơm nên cho tỏi vào phi sau đó cho lá sắn vào và đảo đều tay. vào thời tiết se lạnh, những đứa con xa nhà thấy ấm lòng hơn khi ngồi bên bếp lửa thưởng thức món ăn dân dã nức mùi thơm của tỏi hòa với vị đắng nhẹ của lá sắn, quyện với vị cay của ớt rừng.
Dân dã với món lá sắn xào của người Pa Cô.
Không ai biết món lá sắn xào có từ bao giờ, nó giúp cho người dân đây vượt qua những năm tháng nghèo đói. Bây giờ đời sống đã thay đổi nhưng người Pa Cô vẫn lưu giữ món ăn này và nó trở thành đặc sản dùng để đón tiếp khách từ phương xa.
Bài, ảnh: Hồ Nhô